![]() |
Chợ Đồng Xuân vẫn mang kiến trúc xưa. Ảnh: Anh Tuấn |
Bà Nguyễn Xuân Quỳnh, Phó Ban quản lý phố cổ Hà Nội, cho biết, quyết định trên đã tạo khung pháp lý đầy đủ để tiến hành bảo tồn, tôn tạo khu phố cổ cũng như xử lý trường hợp làm tổn hại đến giá trị văn hoá của di tích. Tổng diện tích khu vực được công nhận di tích rộng 100 ha, thuộc địa bàn 10 phường Hàng Bạc, Hàng Buồm, Hàng Bồ, Hàng Bông, Hàng Mã, Cửa Đông, Lý Thái Tổ, Đồng Xuân, Hàng Gai, Hàng Đào.
Ban Quản lý phố cổ đã đưa ra 11 giải pháp để quản lý, bảo tồn di tích như: xây dựng kế hoạch quản lý và bảo tồn tôn tạo phố cổ Hà Nội tới năm 2010 và những năm tiếp theo trên lộ trình di sản thế giới; tôn tạo các giá trị di sản kiến trúc trong khu phố và nâng cao điều kiện sống cho người dân; quản lý trật tự xây dựng trong khu phố cổ; bảo tồn phát huy các giá trị di sản; tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, xã hội hoá công tác bảo tồn; kêu gọi đầu tư bảo tồn tôn tạo phố cổ và phát triển quan hệ hợp tác quốc tế trên lĩnh vực này...
Hiện trong khu phố cổ có hơn 1.000 công trình nhà ở có giá trị văn hoá cần được bảo tồn, trong đó có rất nhiều nhà ở đang xuống cấp. Song việc tu bổ khó khăn bởi kinh phí hạn hẹp. Thành phố mới trùng tu 3 ngôi nhà cổ là 87 Mã Mây, 38 Hàng Đào, 61 Hàng Bạc nhờ sự giúp đỡ của thành phố Toulouse (Cộng hoà Pháp). Đây là 3 ngôi nhà mẫu để người dân tự đầu tư và xây dựng bởi thành phố không thể tu sửa hết nhà cổ. "Những ngôi nhà của dân tự tu sửa có thể được xếp hạng di tích. Ban đang đề nghị Bộ Văn hoá Thông tin xếp hạng cho một số ngôi nhà loại này", bà Quỳnh nói.
Phó Ban quản lý phố cổ Hà Nội nhấn mạnh, trong việc bảo tồn, tôn tạo phố cổ, quan trọng nhất là vai trò của cộng đồng, ý thức của người dân. Bởi do thiếu ý thức mà phố cổ đang bị "hiện đại hoá" với hàng trăm ngôi nhà xây sai phép, trái phép. Có nhà tại phố Nguyễn Hữu Huân xây sai phép đã gây sập một nhà lân cận.
Đoàn Loan