Những kinh nghiệm, bài học quý giá sau hơn hai năm định hướng trở thành tập đoàn công nghệ của VinGroup sẽ được bà Thủy chia sẻ tại "Diễn đàn Công nghệ Việt trong kỷ nguyên kết nối mới" do VnExpress tổ chức vào ngày 7 - 8/1. Đồng thời, Phó Chủ tịch VinGroup cũng sẽ tiết lộ những kế hoạch phát triển trong tương lai về mở rộng thị trường với điện thoại thông minh, thiết bị IoT, xe điện cũng như cơ hội cho công ty Việt Nam trong kỷ nguyên 5G mới...
Giữa năm 2018, VinGroup bất ngờ thông báo định hướng trở thành tập đoàn công nghệ cao và ngay trong tháng 10, công ty con VinFast ra mắt hai mẫu xe hơi mới và thu hút sự chú ý của truyền thông quốc tế tại triển lãm Paris Motor Show 2018 (Pháp). Tháng 12 cùng năm, một công ty con khác của tập đoàn là VinSmart ra mắt liền lúc 4 mẫu điện thoại thông minh.
Cả hai sau đó đều đã "hái được trái ngọt" đầu tiên. VinSmart nhiều tháng góp mặt trong top 3 hãng smartphone tại thị trường Việt trong năm 2020. Đến hết năm ngoái, các dòng điện thoại như Joy, Live, Active hay Aris đã giúp công ty có doanh số đứng thứ ba thị trường. Với VinFast, mẫu xe Lux A2.0, Lux SA2.0, Fadil hiện đều giữ vị trí số một trong các phân khúc, một kỳ tích khi hãng xe này mới chỉ chính thức bàn giao xe thương mại cho khách hàng cách đây 18 tháng.
Trong lần xuất hiện tại một sự kiện lớn khác gần đây, bà Lê Thị Thu Thủy đã có cuộc trò chuyện với nhà báo Julia Chatterley của CNN trong chương trình First Move. VinGroup không giấu giếm tham vọng chinh phục thị trường Mỹ với hai sản phẩm là điện thoại Vsmart và ôtô điện VinFast.
Tháng 10/2020, những tin tức đầu tiên về việc VinSmart đang sản xuất điện thoại cho một nhà mạng Mỹ xuất hiện trên truyền thông quốc tế. Tuy không được xác nhận nhưng các trang tin lớn như Nikkei, Bloomberg đồng loạt khẳng định đối tác của VinSmart là AT&T và lô hàng đầu tiên có khoảng hai triệu chiếc.
VinSmart bắt đầu tự chủ hoàn toàn việc sản xuất điện thoại từ cuối năm 2019. "Để nội địa hóa nhiều phần linh kiện, chúng tôi chấp nhận mất đi một vài lợi thế cạnh tranh về giá. Ví dụ, phần vỏ điện thoại muốn tự sản xuất tại Việt Nam, nhà sản xuất phải chịu đắt hơn từ một đến hai USD mỗi chiếc", bà Thủy cho biết.
VinSmart có nhà máy sản xuất điện thoại, thiết bị IoT và các sản phẩm thông minh tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, diện tích 14,8 hecta với công suất kỳ vọng là 125 triệu thiết bị các loại mỗi năm. Riêng phân khu lắp ráp sản xuất smartphone hiện có 26 line và 13 hệ thống máy SMT (hàn linh kiện bề mặt hoàn toàn tự động), nhiều phần việc đã được tự động hóa, nhân viên chỉ đóng vai trò giám sát sản xuất.
Ngoài chia sẻ của bà Thủy, Diễn đàn Công nghệ Việt trong kỷ nguyên kết nối mới còn có sự góp mặt của lãnh đạo các bộ, ngành, đại diện các công ty công nghệ cùng các nhà mạng lớn trong nước... chia sẻ, luận bàn về các sản phẩm Việt cũng như cơ hội và thách thức trước kỷ nguyên 5G.
Diễn đàn nằm trong chuỗi sự kiện Tech Awards của VnExpress.
Đăng ký tham dự tại đây.