Bà Đặng Huỳnh Ức My - Phó chủ tịch Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC AgriS, Hose: SBT) vừa tham dự sự kiện thuộc hội nghị cấp cao đặc biệt kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN - Australia (CEO Forum) vào tháng 3, tại Melbourne, Australia. Tại sự kiện, bà chia sẻ những kiến nghị nhằm phát triển quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia trong lĩnh vực nông nghiệp.
Đầu tiên là hợp tác về nông học, ứng dụng khoa học, công nghệ cao vào nông nghiệp. Doanh nghiệp Việt mong muốn tiếp tục được chính quyền hai nước hỗ trợ, tăng cường cơ hội kết nối các đơn vị chuyên môn về nông nghiệp (trường đại học, viện nghiên cứu...) nhằm trao đổi công nghệ sinh học, phát triển giống và quản lý nông nghiệp khoa học chính xác.
Lãnh đạo TTC AgriS đề xuất thành lập hội nghị bàn tròn thường xuyên từ 3 trường đại học hàng đầu về nông nghiệp tại mỗi quốc gia là Đại học Nông Lâm TP HCM, Đại học Queensland (Australia) và Đại học Quốc gia Singapore (NUS) để trao đổi nông học, kết hợp giá trị gia tăng giữa các quốc gia. Từ đó đưa nền kinh tế nông nghiệp Việt Nam tham gia vào một sân chơi bình đẳng, đẳng cấp và xứng đáng với công sức, tâm huyết làm nghề.

Bà Đặng Huỳnh Ức My - Phó chủ tịch Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa. Ảnh: TTC AgriS
Tiếp đến là việc thúc đẩy, xúc tiến nhanh các chính sách hỗ trợ, trao đổi nguồn nhân lực, khuyến khích thế hệ nông dân kế thừa. Đặc biệt tạo điều kiện thông hành cho đối tượng lao động tay nghề cao, chuyên gia, nghiên cứu sinh... sang hoạt động và học tập tại xứ sở chuột túi.
"Đây sẽ là phương pháp hữu hiệu xóa bỏ các rào cản văn hóa cũng như tạo môi trường thuận lợi cho việc tìm hiểu cách thức kinh doanh của các quốc gia khác nhau", đại diện TTC AgriS cho biết.
Trước đó, khi tham gia "Diễn đàn đầu tư Australia - Việt Nam" vào tháng 4/2023, bà Ức My chia sẻ về tiềm năng hợp tác toàn diện trong phát triển nông nghiệp hiện đại bền vững giữa hai nước. TTC AgriS đang xúc tiến để sớm trình lên Chính phủ đề án mở rộng visa dành cho nông dân Việt Nam. Phó chủ tịch mong muốn tạo một kênh trung gian kết nối đầu vào - đầu ra cho hoạt động đầu tư của người nông dân Việt nhập cư tại Australia. Theo bà, đây là một giải pháp hai chiều, vừa về kinh tế, vừa về nguồn lao động.
Cuối cùng là quan hệ hiệp thương Việt - Australia, tiến tới thành quả thương mại nông nghiệp song phương (chính sách giao thương, thuế...). Cụ thể, trong lĩnh vực mía đường, TTC AgriS đề xuất tăng hạn ngạch nhập khẩu đường thô từ Australia về Việt Nam để sản xuất đường tinh luyện cung ứng cho thị trường. Trong tình hình nguồn cung đường thế giới thiếu hụt cùng với những mối nguy gia tăng từ biến đổi khí hậu và khủng hoảng an ninh lương thực, việc nâng lượng đường nhập khẩu giúp đảm bảo nguyên liệu cho ngành thực phẩm quốc gia.
Hiện tại, dưới sự đồng hành của Bộ Nông nghiệp và chính quyền bang Queensland (Australia), TTC AgriS phát triển các giải pháp nông nghiệp công nghệ cao sử dụng nguyên liệu sinh khối, nhiên liệu sinh học cũng như đào tạo đội ngũ nhân sự chất lượng cao, thúc đẩy khuyến nông. Mục tiêu của bà Ức My là mở rộng diện tích vùng nguyên liệu tại Australia lên 20.000 ha, nâng tổng diện tích vùng nguyên liệu toàn cầu lên 90.000 ha.

Bà Đặng Huỳnh Ức Mỹ chụp ảnh cùng các khách mời tham gia "Diễn đàn đầu tư Australia - Việt Nam" vào tháng 4/2023. Ảnh: TTC AgriS
Bà Ức My tự tin trước nhiều tiềm năng của chuỗi giá trị nông nghiệp thông minh bền vững cũng như các cơ hội thương mại và đầu tư quan trọng giữa hai quốc gia trong vài thập kỷ tới. Hiện nay, những tiềm năng, cơ hội cho hàng Việt tại thị trường Australia và New Zealand càng trở nên ý nghĩa nhờ hàng loạt cơ chế hỗ trợ đang được chính phủ các nước đẩy mạnh triển khai nhằm thúc đẩy trao đổi thương mại thời gian tới.
Trong đó, tiềm năng xuất khẩu của ngành dừa là rất lớn, vì tất cả các bộ phận của trái dừa, như vỏ dừa, gáo dừa, cơm dừa, nước dừa... đều có thể làm ra những sản phẩm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Mới đây, Việt Nam và New Zealand đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác tài chính trong giai đoạn 2024-2026. Đây là một trong ba văn kiện hợp tác quan trọng giữa hai nước, khẳng định nỗ lực thúc đẩy và tăng cường hợp tác quốc tế hiệu quả của ngành tài chính. Đồng thời, Bộ Công thương và Bộ Ngoại giao Việt Nam, Thương mại New Zealand cũng ký thỏa thuận hợp tác kinh tế, thương mại hướng tới mục tiêu kim ngạch 2 tỷ USD trong năm nay. Thỏa thuận nhằm thúc đẩy trao đổi thương mại song phương bao gồm các hoạt động mở cửa thị trường, xúc tiến thương mại, hợp tác phòng vệ thương mại.
Bà Ức My khẳng định khai thác lợi thế từ các hiệp định thương mại đa phương, thúc đẩy thương mại giữa các quốc gia; đồng thời kết hợp với năng lực sản xuất ứng dụng công nghệ cao trên nền tảng phát triển bền vững.
Hội nghị cấp cao đặc biệt kỷ niệm 50 năm ASEAN-Australia Special Summit 2024 với sự tham dự của lãnh đạo các nước ASEAN, Australia và Tổng thư ký ASEAN, tổ chức tại Melbourne trong bối cảnh quan hệ hợp tác giữa hai khu vực đang diễn ra năng động trên nhiều lĩnh vực, bao gồm cả hoạt động công nghệ nông nghiệp.
(Nguồn: TTC AgriS)