Quan điểm này được Phó chủ tịch Tập đoàn Trung Thủy chia sẻ tại Diễn đàn Tài chính - Bất động sản 2024 hội do Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức ngày 29/5.
Theo bà Dương Thanh Thủy, trước đây doanh nghiệp bất động sản có thể bán dự án cho khách hàng dù chưa đầy đủ thủ tục pháp lý. Tức là doanh nghiệp chỉ cần một tờ giấy có đóng dấu đỏ là đã có thể thu tiền của khách hàng. "Nhiều doanh nghiệp giữ tờ giấy này, cũng không nghĩ đến việc trả lại cho khách hàng hay quên đi khi nghĩ rằng tiền đã thu về là của mình. Niềm tin khách hàng gần như bị mất", bà Thủy cho hay.
Hệ quả là bất động sản khó khăn như hiện nay cũng không phải do chính sách của nhà nước mà chính doanh nghiệp cũng phải tự nhìn lại mình bởi chính họ cũng góp phần làm thị trường rắc rối thêm. "Đây là thời điểm vàng để thị trường thanh lọc, các doanh nghiệp cần bình tĩnh lại, tìm hướng đi trong thị trường", Phó chủ tịch Trung Thủy Group chia sẻ.
Bà Thủy cũng tự nhận vẫn may mắn khi có thể ngồi phát biểu tại diễn đàn bởi các doanh nghiệp cùng ngành khác vẫn gặp muôn vàn khó khăn. Bà ví von nhiều "doanh nghiệp hôm nay đi ngủ nhưng sáng mai thức dậy không biết còn ở nhà hay có đủ tiền trả lãi ngân hàng hay không".
Theo bà, Trung Thủy là một công ty không lớn trong ngành bất động sản nhưng có thể nhờ vậy nó mới tồn tại được 40 năm. Phó chủ tịch tập này nói đây là một quá trình rất dài và cẩn trọng khi Trung Thủy mới phát triển 8 dự án, chủ yếu gắn với thương hiệu Lancaster.
Bên cạnh lỗi tự thân của chủ đầu tư, bà Thủy nhìn nhận cơ chế cũng góp phần khiến doanh nghiệp khó khăn. Với riêng Trung Thủy, không dự án nào của công ty này phát triển dưới 7 năm, thậm chí có dự án bà Thủy phải dành một phần ba cuộc đời để theo đuổi. Hiện nay, Trung Thủy có một dự án ở TP HCM đã cất nóc tầng 40, dự kiến bàn giao cuối năm nay nhưng vẫn chưa thể mở bán. Nguyên nhân dẫn đến ách tắc là công ty này đã nộp hồ sơ để đóng tiền sử dụng đất, nhưng suốt 8 năm qua không ai định giá.
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nói rằng vừa qua Quốc hội, cũng như Chính phủ đã rất quyết tâm, nỗ lực để hoàn thiện các chính sách mới với thị trường bất động sản. Quyết tâm này còn được thể hiện qua việc Chính phủ đang tiếp tục đề xuất 3 luật có tác động quan trọng với thị trường địa ốc có hiệu lực sớm hơn. Ông cũng khẳng định các nỗ lực này chắc chắn sẽ không suy giảm trong thời gian tới.
Với các quy định pháp luật mới, theo ông Hiếu, thị trường bất động sản sẽ được cơ cấu lại và cuộc chơi của các doanh nghiệp sẽ kéo dài trong 5-10 năm tới. Vì vậy, ông cũng khuyên các doanh nghiệp nên dành thời gian nhiều hơn, nghiên cứu một cách thấu đáo, định vị lại chiến lược sản xuất kinh doanh.
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu cũng cho rằng để vượt khó khăn lúc này, doanh nghiệp cần có trách nhiệm xây dựng lại để thị trường phát triển một cách an toàn. Theo ông, thị trường bất động sản TP HCM hiện nay như một kim tự tháp lệch đầu với khối đế chủ yếu là nhà ở cao cấp.
Dù vậy, Chủ tịch HoREA tin tưởng thị trường sẽ nhiều tín hiệu phục hồi từ cuối năm nay trở đi khi các chính sách mới thẩm thấu. Ông Châu lý giải để chính sách mới bao giờ cũng có đỗ trễ, để đi vào thực tiễn phải mất tối thiểu 6 tháng. Đồng thời, quy trình thực hiện các dự án bất động sản thương mại cũng phải tính từ 6 tháng đến 3 năm, chứ không thể dễ dàng xoay chuyển "như lật bàn tay". Ông cũng khẳng định thị trường bất động sản đã vượt qua được vùng đáy khó khăn nhất năm 2023.
Thay vì 1/1/2025, Chính phủ đang dự kiến ba Luật Đất đai, Nhà ở và Kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ ngày 1/8. Chính phủ cũng vừa đề nghị lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành luật. Các địa phương cần hoàn thành công việc này trong tháng 6.
Hiện nay, TP HCM có khoảng 148 dự án bị vướng mắc pháp lý. Tuy nhiên, ông Châu tin tưởng các khó khăn này sẽ được giải quyết khi các luật mới có hiệu lực cùng sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị.
Anh Tú