Tại ngày làm việc thứ 3 của kỳ họp HĐND TP HCM với nội dung giám sát chương trình cải cách hành chính (CCHC) của thành phố trong 3 năm (2011-2013), Phó chủ tịch UBND TP HCM Lê Mạnh Hà nêu quan điểm: khả năng ứng dụng công nghệ thông tin của nhiều lãnh đạo trong thành phố 10 triệu dân này vào loại rất kém so với cả nước.
"TP HCM được trang bị hệ thống công nghệ thông tin mạnh nhất nước nhưng buồn là hiểu biết, nhận thức của lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện về lĩnh vực này lại thuộc hàng kém", ông Hà nói.
Theo ông Hà, dù tất cả các sở ngành, quận huyện đã được cấp hộp thư điện tử nhưng số người sử dụng chỉ khoảng 40%, trong đó có rất ít người sử dụng thường xuyên. "Hộp thư điện tử là cái đơn giản nhất trong ứng dụng công nghệ thông tin mà cũng không sử dụng được. Việc này cũng giống như chúng ta được trang bị một chiếc xe hơi rất sang trọng nhưng lại không biết lái, cứ đi bộ đi làm", ông Hà bức xúc.
Cũng theo ông Hà, nếu như trước đây các doanh nghiệp công ích ứng dụng công nghệ thông tin tốt, kết nối với UBND thành phố, các sở ngành thì đã không xảy ra vụ lãnh đạo ở các công ty công ích nhận "lương khủng". Bởi kết nối tốt sẽ biết được những bất thường trong chi lương, sử dụng lao động, không bị báo cáo bóp méo.
Việc không ứng dụng tốt công nghệ thông tin, theo vị phó chủ tịch, đã dẫn đến hậu quả trễ hạn trong cấp phép đầu tư nước ngoài trung bình là 22 ngày. Trong đó có hồ sơ trễ 222 ngày, thậm chí nhiều hồ sơ trễ hẹn trên một năm. Ông Hà cho rằng, việc này có nguyên nhân do các bộ ngành trung ương chậm trả lời ý kiến của thành phố, trung bình mỗi bộ ngành trên một tháng mới trả lời, thậm chí không trả lời, nên nhiều khi UBND thành phố không hỏi bộ ngành nữa để rút ngắn thời gian.
"Nhưng có nhiều hồ sơ sở còn trễ hơn các bộ ngành, lỗi này hoàn toàn do chính chúng ta. Vì vậy, để CCHC tốt chúng ta phải ứng dụng công nghệ thông tin", vị phó chủ tịch nói.
Trước ý kiến của Phó chủ tịch Lê Mạnh Hà, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng đánh giá này hoàn toàn đúng. Theo bà, ứng dụng công nghệ thông tin trong CCHC là một yếu tố rất quan trọng nếu không làm tốt sẽ hạn chế nhiều kết quả. Vì vậy, thành phố cần tập trung hơn trong việc triển khai lĩnh vực này.
"Không nói đâu xa, chỉ riêng việc văn phòng HĐND gửi thư điện tử để mời các sở ngành, quận huyện nhưng không hề nhận được phản hồi, buộc văn phòng phải gọi điện thoại nhắc nhở đã xem thư chưa", bà Tâm nói và cho biết cá nhân bà lúc trước sử dụng công nghệ thông tin cũng kém nhưng được sự hỗ trợ từ văn phòng nên đã dần khắc phục được hạn chế của mình.
Trước đó, báo cáo về công tác CCHC trong ngành thuế, ông Lê Xuân Dương, Phó cục trưởng Cục thuế TP HCM cho biết hiện thành phố có khoảng 140.000 doanh nghiệp và 255.000 hộ cá thể đang hoạt động. Vì vậy sự liên hệ giữa người dân và cơ quan thuế mỗi năm lên đến 100 triệu lần.
Theo ông Dương, để cải thiện thủ tục, trong năm 2013 đã giảm tần suất kê khai của doanh nghiệp từ 12 lần xuống còn 4 lần trong một năm; rút ngắn thời gian làm thủ tục đăng ký khai thuế từ 5 ngày xuống 3 ngày; hoàn thuế từ 15 ngày xuống còn 6 ngày; hồ sơ nào kiểm tra trước hoàn sau cũng giảm từ 60 ngày xuống còn 40 ngày... Ngoài ra, hiện 132.000 doanh nghiệp tại thành phố đã đăng ký và kê khai thuế qua mạng, đạt trên 95% số doanh nghiệp, phần nào giúp giảm thời gian không phải xếp hàng cả buổi chờ đăng ký kê khai thuế.
Tuy nhiên, lãnh đạo cục thuế TP HCM cũng thừa nhận cán bộ công chức ngành thuế vẫn còn nhũng nhiễu người dân, thậm chí vòi vĩnh. "Giải pháp mà chúng tôi làm là thường xuyên luân phiên, luân chuyển cán bộ”, ông Dương nói và cho biết riêng 6 tháng đầu năm nay, ngành thuế đã kỷ luật 7 công chức, khiển trách 4, cảnh cáo 2 và buộc thôi việc một người.
Theo kết quả giám sát chương trình CCHC của Ban Pháp chế - HĐND TP HCM, tổng số thủ tục hành chính hiện nay của thành phố là 2.192 thủ tục. Trong đó, số thủ tục áp dụng tại Sở - ban - ngành là 1.597 thủ tục; tại UBND quận - huyện là 471 thủ tục; áp dụng tại UBND phường - xã, thị trấn là 124 thủ tục. Việc niêm yết bộ thủ tục ở một số đơn vị thực hiện chưa đúng quy định. |
Hữu Công