Thứ năm, 18/4/2024
Thứ sáu, 27/4/2018, 08:28 (GMT+7)

Phó chủ tịch tỉnh tế đàn Nam Giao lúc nửa đêm trước Festival Huế

Trong trang phục áo dài khăn đóng, ông Nguyễn Dung, Phó chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế đã chủ trì lễ tế đàn Nam Giao.

3h sáng 27/4, tại đàn Nam Giao phường Thủy Xuân (TP Huế), chính quyền tỉnh đã cử hành lễ tế đàn Nam Giao, một trong những lễ tế quan trọng của vương triều Nguyễn xưa. Lễ tế được tổ chức trước khi khai mạc Festival Huế lần thứ X.

Trong trang phục áo dài vàng, khăn đóng, ông Nguyễn Dung, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Trưởng ban tổ chức Festival Huế lần thứ X đã chủ trì lễ tế. Tham dự có nhiều lãnh đạo của địa phương tham gia.

Đàn Nam Giao xưa kia nằm ở xã An Cựu nay là ở phường Thủy Xuân (TP Huế) được xây dựng vào năm 1806 dưới thời vua Gia Long. Đàn có ba tầng được xây dựng bằng đá và gạch. Tầng thứ nhất đặt án ở giữa thờ chung trời đất. 

Vào thời vua Gia Long, mỗi năm triều đình chọn một trong ba ngày tốt ở tháng trọng xuân để làm lễ tế. Đến thời vua Đồng Khánh (1888) lễ tế đổi lại ba năm tế một lần theo các năm Tí, Mão, Ngọ, Dậu. Khi tế, vua ngự giá đến hành lễ. Lễ tế đàn Nam Giao là nghi lễ cung đình được triều Nguyễn xếp vào hàng đại tự.

Theo sách Khâm định Đại nam Hội điển sự lệ, xưa kia, trước lễ tế một ngày, xa giá sẽ đưa vua triều Nguyễn lên trai cung trong khu vực đàn tế nghỉ ngơi chờ đến giờ tế. Vua Gia Long xưa kia đội mũ xung thiên, mặc áo bào màu huyền, đeo đai ngọc, xiêm màu vàng cử hành lễ tế, quan bộ lễ dẫn đường đi trước. Trước ba ngày lễ tế, xét hỏi hình án và sát sinh đều không làm để tỏ lòng kính.

Trong lễ tế đàn Nam Giao, đội nhã nhạc sẽ tấu 9 lần nhạc chương, tấu  lên đều dùng chữ "thành" với các nghi lễ như lúc đốt hương tấu hữu thành, lúc dâng hương tấu cảnh thành, lúc nghinh thần tấu an thành, dâng ngọc lụa tấu triệu thành, sơ hiến tấu mĩ thành, tuần hai tấu thụy thành, tuần cuối tấu vĩnh thành, tống thần tấu tuy thành, về cung tấu khánh thành.  

Theo lễ xưa của triều Nguyễn, các phẩm vật dùng trong lễ tế phải có 30 mâm xôi ở đàn tròn, 40 mâm xôi đàn vuông. Đàn tròn dùng con trâu non, đàn vuông dùng con trâu đực.

Tam sinh trong lễ tế phải có trâu, dê và lợn.

Hai bên tả hữu của đàn sẽ có đội múa, mỗi bên văn múa, vũ múa có tám hàng.
 

Sau lễ tế cuối cùng của triều Nguyễn dưới thời vua Bảo Đại vào năm 1945, tại kỳ Festival thứ 3 vào năm 2004, lễ tế đàn Nam Giao được tỉnh Thừa Thiên Huế khôi phục với đoàn rước có voi, ngựa từ Đại Nội đi bộ sang đàn Nam Giao, người chủ tế là diễn viên giả vua.

Vấp phải sự phản đối của dư luận, các kỳ Festival sau này, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế đã thay phiên nhau làm chủ tế.

Tại kỳ Festival năm 2014, ông Nguyễn Ngọc Thiện, Bí thư tỉnh Thừa Thiên Huế nay là Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lần đầu tiên làm chủ tế. 

Hơn một giờ cử hành với các nghi thức như triều Nguyễn xưa, lễ tế đàn Nam Giao cầu mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an kết thúc. Sau lễ tế, hàng trăm người dân Huế đã vào đàn thắp hương, cúng bái.

Võ Thạnh

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net