"Điều chỉnh tiền lương cần gắn với vị trí việc làm, tăng cường trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương", ông Định nói khi cho ý kiến về kết quả phát triển kinh tế xã hội năm 2023, dự kiến kế hoạch năm 2024, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 16/10.
Theo kế hoạch, chính sách tiền lương mới sẽ được áp dụng từ 1/7/2024. Phó chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ rà soát, sắp sếp đội ngũ cán bộ công chức, xử lý những người thiếu tinh thần trách nhiệm, làm việc cầm chừng, đùn đẩy, né tránh; đưa người vi phạm, năng lực yếu ra khỏi bộ máy.
Ông Y Thanh Hà Niê Kđăm, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, cho rằng khi thực hiện chính sách cải cách tiền lương, cần đảm bảo thu nhập của cán bộ cơ sở giữa các ngành lĩnh vực tương ứng với trách nhiệm. "Thu nhập từ tiền lương mới phải phù hợp với nhiệm vụ được giao, tránh tình trạng nhiệm vụ như nhau nhưng thu nhập nơi cao nơi thấp", ông Y Thanh Hà nói.
Trong báo cáo gửi đại biểu Quốc hội ngày 30/9, Bộ Nội vụ cho biết cán bộ, công chức trên toàn quốc sẽ được trả lương theo vị trí việc làm thay cho chính sách tiền lương thấp, chưa tạo động lực. Dự kiến đến quý 4 năm 2023, Chính phủ sẽ chỉ đạo bộ ngành, địa phương phê duyệt vị trí việc làm công chức trong cơ quan, tổ chức hành chính, hướng đến trả lương, tuyển dụng, quản lý, sử dụng, đánh giá, quy hoạch cán bộ, công chức theo phương pháp này.
Bộ Nội vụ đã xây dựng 6 nội dung cụ thể của chế độ tiền lương mới theo chức vụ, chức danh, vị trí việc làm. Năm 2020 Chính phủ ban hành quy định về vị trí việc làm và biên chế công chức, căn cứ nhiều yếu tố như mức độ phức tạp, tính chất, đặc điểm, quy mô hoạt động; đối tượng phục vụ; quy trình quản lý chuyên môn, nghiệp vụ.
Có 861 vị trí việc làm cán bộ, công chức, trong đó nhóm lãnh đạo, quản lý có 137 vị trí; nhóm công chức nghiệp vụ chuyên ngành 665 vị trí; nhóm công chức nghiệp vụ chuyên môn dùng chung 37 vị trí; nhóm hỗ trợ, phục vụ 22 vị trí. Cán bộ, công chức cấp xã có 17 vị trí, trong đó 11 vị trí cán bộ chuyên trách, 6 vị trí công chức xã. Đến nay, 16/20 bộ ngành ban hành vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành.
Nghị quyết 27 năm 2018 của Trung ương đặt mục tiêu cải cách tiền lương cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp từ 1/7/2021. Tuy nhiên hai năm qua, do nhiều tác động bất lợi, đặc biệt là đại dịch Covid-19, lộ trình cải cách đồng bộ chính sách tiền lương đến nay chưa được thực hiện. Vấn đề này sẽ được Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 6 khai mạc ngày 23/10.