Sáng 11/1, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt.
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Ban soạn thảo dự luật phải làm rõ 3 đặc khu Phú Quốc (Kiên Giang), Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hoà) mang lại lợi ích gì cho đất nước. Theo ông, điều cốt lõi nhất là dự luật thể hiện được 3 đặc khu này sẽ là động lực phát triển cho tỉnh, cho cả khu vực và kéo theo sự phát triển chung của đất nước; tạo nguồn thu cho ngân sách từ sự phát triển chứ không phải từ sưu cao thuế nặng.
“Cần có mô hình quản lý hiệu quả, giữ được quốc phòng, an ninh, không để các thế lực thông qua thủ đoạn kinh tế làm chúng ta mất chủ quyền quốc gia”, ông Hiển nhấn mạnh.
Vẫn tư duy theo cách cũ?
Theo Phó chủ tịch Quốc hội, dự luật nói đến các cơ chế “đặc thù, đột phá, nổi trội”, nhưng dường như vẫn tư duy theo cách cũ, tức là cho chính sách cao hơn mức bình thường thì coi là nổi trội. Cụ thể như, từ quy định cho thuê đất sang miễn giảm tiền cho thuê thì gọi là nổi trội, hay thời gian thuê đất 70 năm nâng lên 99 năm là đột phá…
“Đó là tư duy 30 năm trước. Có phải ba khu vực này cần miễn giảm tiền thuê đất thì mới thu hút được đầu tư hay không? Đây là ba khu đất vàng, như Phú Quốc hiện nay, doanh nghiệp muốn vào cũng khó. Việt Nam là cô gái đẹp, tất cả cơ thể chỗ nào cũng đẹp, chúng ta phải lựa chọn bàn tay tinh tú nhất, giỏi nhất để đưa vào. Phải đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư chiến lược”, ông Hiển đề xuất.
Về việc nâng thời hạn cho thuê đất 99 năm, ông Hiển cho rằng nên cân nhắc bởi vì 20 – 30 năm đã là một thế hệ, 99 năm là 3 thế hệ. “Cứ theo luật 70 năm, ông nào vào được thì vào”, ông nói.
Phó chủ tịch Quốc hội nêu vấn đề, có thể đưa ra cơ chế đặc thù nhưng không miễn tiền thuê đất mà giảm có thời hạn. "Dự luật có một số điểm không phù hợp với Hiến pháp, như việc quyết định chính sách thuế như thế nào là do Quốc hội chứ không phải giao cho trưởng đặc khu, vì vậy cần rà rất kỹ để đại biểu Quốc hội có thể yên tâm bấm nút thông qua", ông Hiển nói.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh thì góp ý, nên đưa ra nguyên tắc đất gì thì giao 99 năm, đất nào giao 70 năm để trưởng đặc khu có thể quyết định mà không cần báo cáo Thủ tướng. Về chính sách miễn giảm tiền sử dụng đất, ông Thanh cho rằng "đây không còn là chính sách hấp dẫn nhất với nhà đầu tư nước ngoài, vì điều họ cần là công khai, minh bạch và chi phí chính thức dự đoán được".
Trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Tuý cũng nêu thực tế nhiều nơi bị hoang hoá vì "rải thảm ưu đãi”, do vậy Ban soạn thảo cần tính toán, thiết kế cẩn thận quy định trên.
"Cơ chế thoáng, nhưng không phải muốn làm gì cũng được"
Về tổ chức chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, dự thảo Luật đưa ra ba phương án, trong đó phương án một thực hiện thiết chế Trưởng đặc khu, phương án 2 là chính quyền đặc khu gồm có HĐND, UBND tương tự như ở các đơn vị hành chính hiện nay, phương án 3 kết hợp các ưu điểm, khắc phục các nhược điểm của hai phương án trên. Theo đó, chính quyền là cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng đặc khu và Ủy ban đặc khu được tổ chức tinh gọn, chỉ quyết định một số vấn đề quan trọng, mang tính định hướng lớn.
Theo ông Trần Văn Tuý, vấn đề cần quan tâm là kiểm soát quyền lực của lãnh đạo đặc khu, dư luật thiết kế thêm Hội đồng đặc khu để khắc phục nhưng lại "không có gì mới, thiết chế và chức năng nhiệm vụ còn sơ khai".
Ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng, lại đồng ý có Hội đồng đặc khu. Nhưng Hội đồng này phải gồm các nhân sĩ trí thức để tư vấn chứ không phải kiểm soát đơn thuần như HĐND. Khi đó, trách nhiệm quản lý thuộc về trưởng đặc khu và văn phòng đặc khu làm nhiệm vụ tư vấn. Trưởng đặc khu phải báo cáo hàng năm để Hội đồng cho ý kiến. Thủ tướng chịu trách nhiệm trước Quốc hội về vấn đề điều hành 3 đặc khu này, có Hội đồng tư vấn hay không là việc của Thủ tướng.
“Xử lý trưởng đặc khu như thế nào nếu anh ta vi phạm? Cần xây dựng quy trình vì anh ta được giao rất nhiều quyền. Khi cho quyền hạn vượt bậc nhưng xử lý vi phạm lại theo quy trình thông thường là không được”, ông Bình nói.
Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nêu ý kiến nhất trí phương án một, vì đã nói đặc biệt là phải khác và đột phá về cơ chế chính sách, tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu.
"Cho anh cơ chế thoáng, nhưng không phải muốn làm gì thì làm, không tổ chức HĐND ở đặc khu nhưng có HĐND cấp tỉnh sẽ giám sát", ông Tỵ nói.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, những vấn đề nêu trên phải xin ý kiến Bộ chính trị, thậm chí báo cáo Trung ương. Bà cũng nêu thực trạng Phú Quốc, hiện chưa phải đặc khu nhưng các doanh nghiệp phải xếp hàng xin dự án vì kinh doanh ở đây rất hiệu quả; sân bay quá tải. Vân Phong chưa phát triển, trong khi Vân Đồn thì gần với Trung Quốc. Vì vậy chính sách chung cho cả ba đặc khu theo bà là không phù hợp. "Cần thiết phải có một luật chung nhưng ba chương riêng cho từng khu", Chủ tịch Quốc hội nói.
Bà Kim Ngân cũng lưu ý, đưa ra ba đặc khu nhưng "trong 99 năm tới không thu được gì, thậm chí Phú Quốc giảm thu vì khi ra luật phải miễn thuế là không ổn".
Dự án Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt trình Quốc hội lần đầu tại kỳ họp cuối năm 2017 và sẽ tiếp tục được Quốc hội xem xét tại kỳ họp tháng 5/2018.