Sau đợt mưa ngập lịch sử tàn phá các vùng rau xung quanh thủ đô, làn sóng rau quả Trung Quốc và các địa phương tràn về Hà Nội. Nỗi lo về an toàn thực phẩm, dư lượng hóa chất đã được nhiều đại biểu quan tâm.
Lần đầu tiên trả lời chất vấn trước HĐND Hà Nội mở rộng, Phó chủ tịch UBND Hà Nội Đào Văn Bình tỏ ra lúng túng và trả lời chung chung sau các câu hỏi của đại biểu.
Ông Đào Văn Bình tỏ ra khá lúng túng trước những chất vấn liên tiếp về an toàn thực phẩm. Ảnh: Hoàng Hà. |
Theo ông Bình, nhiều hộ trồng rau vẫn bón phân tươi, hoặc phun thuốc trừ sâu không rõ nguồn gốc, rửa rau qua loa rồi mang vào thành phố bán. Do vậy, cần tăng cường tuyên truyền tới người trồng rau có trách nhiệm với cộng đồng hơn nữa. "Thành phố cũng đề cao tuyên truyền để người dân trở thành người tiêu dùng thông thái", ông Bình nói.
Giải pháp quản lý thực phẩm được Phó chủ tịch đưa ra từng được đề cập nhiều lần như: thành lập Ban chỉ đạo an toàn vệ sinh thực phẩm tới xã, phường với sự tham gia của nhiều ngành, tập trung cao điểm rà soát thị trường vào dịp Tết; xây dựng lò mổ tập trung và mạng lưới bán rau an toàn...
Chưa hài lòng, đại biểu Tô Yên Khánh lên tiếng: "Trách nhiệm quản lý của cơ quan chức năng thế nào, không thể yêu cầu người tiêu dùng phải thông thái. Vì sao thành phố chậm tổ chức đầu tư dây chuyền giết mổ tập trung, vấn đề này đã nêu ra 7-8 năm mà không thực hiện?".
Đại biểu Bùi Thị An nghi ngại, trong hơn 100 cơ sở đã đăng ký thì nguồn gốc rau thế nào, bao giờ thành phố mới có quy hoạch rau an toàn?
Ông Đào Văn Bình thừa nhận, có tình trạng người trồng rau khoanh riêng khu vực để gia đình sử dụng. Điều này cho thấy an toàn thực phẩm rau đem bán có thể chưa đảm bảo.
"Quy hoạch vùng rau an toàn sẽ được xây dựng căn cứ theo vào quy hoạch chung thủ đô. Thành phố chỉ có thể quản lý theo những địa chỉ doanh nghiệp, không thể quản lý tới từng chợ. Đầu tư trồng 1 ha rau an toàn mất vài trăm triệu đồng nên thành phố sẽ có kinh phí hỗ trợ, như Hà Tây cũ đã hỗ trợ 30 triệu đồng một ha để khuyến khích các nhà đầu tư", ông Bình nói.
Theo Phó chủ tịch, người dân nên vào siêu thị hoặc các điểm bán đã được đăng ký mua rau an toàn, không nên mua tại các chợ cóc, chợ tạm, hàng rong.
Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Y tế cho biết, các phụ gia đưa vào thực phẩm thường xuyên được Sở Y tế kiểm tra chặt chẽ, song mới khoảng 70-80% cơ sở đạt tiêu chuẩn. "Tại các siêu thị đã được kiểm tra đều được đảm bảo chất lượng, còn rau củ quả Trung quốc kiểm tra từ cửa khẩu không thể chắc chắn được", ông Tuấn nói.
Chốt lại vấn đề, Chủ tịch HĐND Ngô Thị Doãn Thanh, cho rằng, vai trò của người quản lý, nhà sản xuất phải đặt lên trên sự thông thái của người tiêu dùng để nhân dân gửi gắm niềm tin.
"Tôi cũng là người tiêu dùng, tôi chấp nhận đắt hơn một chút nếu được đảm bảo an toàn, tôi mong là thành phố cấp giấy phép và công khai những nơi được cấp, tăng cường hơn nữa xử lý các tập thể, cá nhân vi phạm, thậm chí phải đình chỉ sản xuất, lưu thông", bà Thanh nêu quan điểm.
Nạn ô nhiễm môi trường cũng là vấn đề được nhiều đại biểu HĐND quan tâm. Đại biểu Nguyễn Hoài Nam đặt vấn đề vai trò của Ban quản lý khu công nghiệp đến đâu khi báo cáo ô nhiễm chính từ khu công nghiệp; Thu gom và xử lý rác thải thế nào vì không thể áp dụng phương pháp chôn rác mãi được, sẽ gây ô nhiễm nước, bức xúc xã hội.
Đại biểu Nguyễn Việt Hưng cho rằng, tình trạng ô nhiễm hồ của Hà Nội đang rất nghiêm trọng, sắp kỷ niệm đại lễ 1.000 năm thì không thể để các hồ như vậy. Đại biểu Phạm Thị Thành nêu ý kiến cử tri Tây Mỗ bức xúc nước thải của một số làng nghề ở Hoài Đức.
Khác với những kỳ chất vấn trước, các vấn đề liên quan trực tiếp đến sức khỏe người dân được đại biểu đặc biệt quan tâm. Ảnh: Hoàng Hà. |
Theo Phó chủ tịch UBND Vũ Hồng Khanh, các dự án đều đã có đánh giá tác động môi trường. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện có thể gây bức xúc, thành phố đã kiểm tra và xử lý. Rác thải ở Hà Nội chủ yếu xử lý theo chôn lấp và vi sinh, song sắp tới sẽ theo công nghệ đốt.
Ông Khanh cho rằng, khó xử lý ô nhiễm môi trường sông hồ là do thiếu... nguồn lực. Muốn xử lý nước thải để giảm 10% lượng nước không ô nhiểm, toàn thành phố sẽ mất 1.100 tỷ đồng. Năm 2015 sẽ phấn đấu 40% lượng nước hồ ở Hà Nội không ô nhiễm.
"Đến bao giờ xử lý được hết nước thải thì chưa thể trả lời, phụ thuộc mức tăng trưởng của thành phố. Chúng ta sẽ thí điểm tách nước thải ra khỏi sông Tô Lịch, hồ Văn Chương, rồi nhân rộng", ông Khanh cho biết. .
Đoàn Loan
Ý kiến bạn đọc
From: Nguyễn Mạnh Huy
Tôi hiểu ý của ông Phó chủ tịch Hà Nội là không nên mua rau ở chợ xanh, chợ cóc, hàng rong... những nơi không đảm bảo uy tín. Nhưng thành phố này với 6-7 triệu dân có bao nhiêu cửa hàng rau sạch, bao nhiêu siêu thị? Ông có biết rằng các cửa hàng đáp ứng được bao nhiêu phần trăm nhu cầu của người dân không? Những siêu thị treo biển rau sạch nhưng liệu có đúng vậy không?
From: M.H.Q.
Càng ngày mọi thứ càng đắt đỏ, rau cũng không nằm ngoại lệ. Thậm chí rau xanh còn tăng giá rất nhanh. Không mua rau ở chợ hay hàng rong thì biết mua ở đâu khi rau trong siêu thị đắt hơn so với giá ở chợ vài lần.
From: Hoàng ĐiệpTôi đồng ý bản thân người tiêu dùng phải có trách nhiệm trong việc lựa chọn mua rau quả ở đâu. Nhưng ở vị trí là cơ quan quản lý nhà nước, đại diện cho lợi ích của người dân thì cơ quan quản lý cũng cần phải có ngay giải pháp ngăn chặn sự xâm nhập của rau quả Trung Quốc. Tôi hy vọng là UBND Hà Nội sẽ không phụ sự tin tưởng của người dân.
From: Lê
Tôi thấy ông Bình đã đúng khi đưa ra khuyến cáo như vậy cho người dân. Người dân đang bị đầu độc từng ngày mà không biết. Tôi được biết rằng rau muống ở Hà Nội nhiễm chì rất nặng. Hãy cảnh báo người dân để họ có thể tự bảo vệ sức khoẻ của mình, bảo vệ nòi giống Việt.