Trả lời về định mức xe công với cán bộ, ông Trần Đức Thắng, Cục trưởng Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) cho biết, theo quyết định 32/2015 của Thủ tướng, chỉ cấp phó chủ tịch ở Hà Nội và TP HCM mới được hưởng chế độ xe đưa đón đi làm. Với các địa phương khác, xe công chỉ phục vụ phó chủ tịch khi đi công tác.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội luật gia TP HCM, cũng cho rằng đối chiếu các quy định pháp luật thì Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh không thuộc diện được sử dụng ôtô biển xanh đưa đón.
Cụ thể, theo nghị định về chế độ tiền lương với cán bộ, công chức thì hệ số phụ cấp chức vụ phó chủ tịch UBND tỉnh là từ 1,20 trở xuống. Trong khi đó, quyết định mới nhất của Thủ tướng quy định chức danh lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,25 trở lên mới được sử dụng ôtô đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc và đi công tác. Mức giá mua xe tối đa 920 triệu đồng/xe. Trong số 63 tỉnh thành, chỉ phó chủ tịch UBND TP Hà Nội và TP HCM được hưởng tiêu chuẩn này.
Theo luật sư Hậu, căn cứ quy định trên, cán bộ cấp phó chủ tịch tỉnh chỉ được sử dụng ôtô phục vụ công tác chung tại cơ quan, không thuộc diện nhà nước phải chi ngân sách mua ôtô. Cũng theo quyết định của Thủ tướng, các cơ quan ở địa phương, ví dụ văn phòng UBND tỉnh, chỉ được trang bị tối đa 2 ôtô phục vụ công tác chung. Cơ quan nào đã có 2 ôtô thì không vì có thêm lãnh đạo mới mà được mua thêm xe.
Liên quan sự việc, ngày 10/6, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đã yêu cầu Bộ Công an, Bộ Công Thương và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam theo thẩm quyền khẩn trương làm rõ thông tin ông Trịnh Xuân Thanh sử dụng xe cá nhân gắn biển số xanh; việc luân chuyển ông Thanh khi chưa làm rõ trách nhiệm liên quan đến khoản thua lỗ lúc còn là Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí (PVC). Thời hạn báo cáo Thủ tướng trước ngày 25/6.
Chiếc Lexus LX570 trị giá hơn 5 tỷ đồng, gắn biển xanh 95A-0699 đưa đón Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh gây xôn xao dư luận. Ông Thanh giải thích ôtô này mượn của người bạn, biển kiểm soát 29A-79093. Một năm trước khi được phân công về Hậu Giang làm Phó chủ tịch nhiệm kỳ 2011-2016, ông đã mang từ Hà Nội vào sử dụng.
Sau đó, ông Thanh nói chủ xe là Nguyễn Đặng Toàn, em bà con bên vợ. Khi biết anh rể vào miền Tây công tác, Toàn đã cho ông mượn xe đi lại nhằm tiết kiệm cho ngân sách tỉnh trong việc mua xe công phục vụ Phó chủ tịch tỉnh. Đồng thời, chủ nhân xe Lexus LX570 cũng vào Hậu Giang làm tài xế cho ông Thanh.
Về vấn đề nêu trên, một đại biểu Quốc hội cho rằng: "Việc mua, sử dụng xe công phải tuân thủ quy định hiện hành, không phải cứ là phó chủ tịch tỉnh thì ngân sách phải chi mua xe công. Vì vậy, nói rằng mượn xe tư, gắn biển xanh để tiết kiệm ngân sách thì phải xem xét hết sức cụ thể. Tôi mong muốn, thực hiện chỉ đạo của Tổng bí thư, các cơ quan chức năng sẽ làm rõ nhiều nội dung trong đó có vấn đề này".
Sau khi có dư luận, ông Trịnh Xuân Thanh đã trả lại biển số xanh của chiếc Lexus.
Ngày 9/6, Văn phòng Trung ương Đảng có công văn thông báo ý kiến chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cần làm rõ những vấn đề được nêu trong bài báo "Xe tư nhân gắn biển số xanh và di sản của Phó chủ tịch Hậu Giang". Bài báo đề cập 3 vấn đề, gồm: Phó chủ tịch Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh được đưa đón bằng chiếc Lexus LX570 là xe tư, nhưng gắn biển xanh; tình trạng thua lỗ nặng ở Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí VN (PVC), nơi ông Thanh từng giữ các vị trí lãnh đạo chủ chốt từ năm 2007 đến năm 2013 và dù lãnh đạo doanh nghiệp làm ăn thua lỗ nhưng ông Thanh vẫn được bổ nhiệm Phó chủ tịch tỉnh. |
Võ Văn Thành - Thanh Lan