Nhân chuyến thăm của Phó chủ tịch tập đoàn toàn cầu Irial Finan, lần đầu tiên CocaCola lên tiếng chính thức về nghi vấn khai lỗ tại Việt Nam và chuyển lợi nhuận ra nước ngoài để né tránh mức thuế thu nhập cao hơn nhiều các thị trường khác trên thế giới. Ông Irial Finan trao đổi với báo chí chiều qua, sau hai ngày làm việc tại Hà Nội và TP HCM.
- Thông điệp các ông muốn phát đi trong chuyến trở lại Việt Nam lần này là gì, sau khi Chủ tịch Muhtar Kent cuối năm ngoái đã tuyên bố đầu tư thêm 300 triệu USD?
- Đây là dịp chúng tôi cập nhật tiến độ thực hiện cam kết đầu tư đó, đồng thời một lần nữa khẳng định niềm tin, mong muốn gắn kết lâu dài ở Việt Nam, một thị trường năng động không chỉ của châu Á mà cả trên thế giới. Chúng tôi cũng muốn có cơ hội kiểm chứng hoạt động của CocaCola đang có tác động lan tỏa thế nào tới môi trường đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, tạo công ăn việc làm, phát triển nhân lực, đầu tư công nghệ và hạ tầng sản xuất hiện đại.
Trong hai ngày qua, chúng tôi đã tiếp xúc với các quan chức chính phủ, mong muốn tìm lời khuyên làm thế nào để CocaCola trở thành một doanh nghiệp công dân tốt, có trách nhiệm với cộng đồng. Khi đưa ra cam kết tăng tổng vốn đầu tư cho giai đoạn 1994-2015 từ 400 triệu USD lên 700 triệu USD, Chủ tịch Muhtar Kent cũng đặt mục tiêu cho 10 năm tới là tăng gấp đôi số công ăn việc làm tạo ra ở Việt Nam, tập trung nâng cao chất lượng nhân lực.
- Gần 20 năm đầu tư và đến giờ chưa có lãi, vậy tại sao các ông vẫn quyết định rót thêm vốn vào Việt Nam?
- Không khó hiểu khi người ta đặt ra câu hỏi lỗ như vậy tại sao chúng tôi vẫn đầu tư. Lợi nhuận là mục tiêu quan trọng mà mọi doanh nghiệp hướng tới. Nhưng chúng tôi có nguyên tắc kinh doanh của mình. 127 năm tồn tại và hoạt động ở 207 thị trường trên thế giới, bí quyết của chúng tôi không chỉ là xây dựng thành công cho riêng mình mà phải trở thành đối tác đóng góp quan trọng cho cộng đồng. Một khi quyết định kinh doanh ở đâu, chúng tôi cần tạo mỏ neo để bám chặt vào mảnh đất đó, bằng cách đầu tư cho hạ tầng cơ sở, máy móc thiết bị, phát triển nhân lực, xây dựng thương hiệu, tạo tình yêu đối với thương hiệu của mình, phát triển doanh nghiệp mình tới quy mô đủ lớn để có thể tăng trưởng bền vững. Công việc này đòi hỏi thời gian chứ không thể một vài năm là thành công ngay được.
Một số công ty công nghệ cao, sản xuất phần mềm chẳng hạn, họ làm ra sản phẩm mà phải chấp nhận lỗ trong 10-15 năm đầu tiên trước khi trở thành doanh nghiệp thành công bậc nhất thế giới. Chúng tôi cũng có ví dụ tương tự, một trong những đơn vị thành công nhất tập đoàn đã phải hoạt động 25 năm không lợi nhuận cho tới khi tạo ra vị thế vững chắc trên thị trường như ngày hôm nay.
Tại Việt Nam, xét về mặt hiệu quả tài chính thì đúng là chúng tôi chưa có gì. Nhưng tôi tin với những khoản đầu tư đã bỏ ra và cách thức triển khai đúng đắn, chắc chắn chúng tôi sẽ thoát khỏi tình hình hiện tại và có lợi nhuận trong những năm tới. Thị trường nước giải khát không cồn ở Việt Nam mới ở giai đoạn phát triển ban đầu, quy mô còn khiêm tốn. Khi nền tảng thị trường được nâng lên, đồng thời quy mô của chúng tôi đủ lớn, lúc đó là cơ hội để chúng tôi có thể tạo ra lợi nhuận.
- Việt Nam là nền kinh tế đang phát triển, môi trường đầu tư mới mẻ, nhiều ưu đãi, chi phí nhân công thấp. Vậy tại sao nguồn doanh thu lớn của CocaCola vẫn không thể bù đắp chi phí để có lãi?
- Đúng là ở thị trường mới nổi chi phí lao động khá thấp so với quốc gia khác. Nhưng tính chung tổng chi phí sản xuất lại không thấp hơn. Để mở một nhà máy, chúng tôi vẫn phải tuân thủ các tiêu chuẩn chung của tập đoàn, đầu tư trang thiết bị, công nghệ với chi phí không khác gì ở các thị trường phát triển khác. Ví dụ mở một nhà máy ở Việt Nam tốn 100 triệu USD, thì nhà máy đó ở Mỹ cũng chừng 110 triệu USD. Nhưng hiệu quả ở Việt Nam thấp xa Mỹ, bởi nhà máy Việt Nam mới mở, chỉ tạo ra chừng một triệu đơn vị sản phẩm trong khi tổng công suất thiết kế lên tới cả 70 triệu. Chi phí bị đội lên ở chỗ đó. Đấy cũng là lý do chúng tôi phải tiếp tục phát triển tới một quy mô có thể tối ưu hóa phần đã đầu tư.
- Trong kế hoạch kinh doanh của mình tại Việt Nam, CocaCola tính toán bao giờ sẽ có lãi?
- Thật tình với tư cách nhà quản lý, tôi mong mình có lãi từ ngày hôm qua rồi, chứ không phải chờ tới hôm nay giải thích tại sao chưa lãi. Để đạt tới điểm hòa vốn, có thể chỉ cần bỏ ra 50 triệu USD, 100 triệu hoặc cũng phải tới 300 triệu USD. Nhưng đó không phải mối quan tâm lớn nhất của chúng tôi. Chúng tôi mong muốn phải phát triển tới một quy mô đủ lớn để có vị thế vững chắc và thành công lâu dài. Chúng tôi tự tin sẽ có lãi trong vài năm tới, nhưng không thể đưa ra câu trả lời chính xác là bao giờ và không thể chắc chắn năm nào cũng có lãi. Bởi nỗ lực của chúng tôi còn phụ thuộc rất nhiều vào môi trường kinh tế vĩ mô. Điều tôi có thể nói chắc chắn là vào thời điểm này mọi thứ đang diễn ra tốt đẹp và công việc kinh doanh của chúng tôi đang phát triển.
Cũng giống như các thị trường khác, chúng tôi tới Việt Nam không chỉ trong ngày một ngày hai mà hướng tới mục tiêu kinh doanh trong nhiều thập kỷ tới. Chúng tôi tin mình chỉ có thể thành công khi trở thành một doanh nghiệp công dân tốt, gắn kết và có trách nhiệm với địa phương nơi mình hoạt động. Điều này thể hiện ở việc chúng tôi ưu tiên mua nguồn nguyên vật liệu đầu vào tại địa phương, lựa chọn các nhà thầu địa phương, phát triển nhân lực địa phương. Nghiên cứu về tác động lan tỏa của CocaCola trên thế giới cho thấy cứ một công việc làm trực tiếp tại CocaCola sẽ tạo ra thêm 6-10 công việc trong các doanh nghiệp hỗ trợ.
- Nghĩa vụ nộp thuế cho nhà nước được đặt ở đâu trong khái niệm doanh nghiệp công dân, có trách nhiệm xã hội với địa phương mà ông nhắc tới?
- Yêu cầu quan trọng nhất trong trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đó là tuân thủ luật pháp kinh doanh nước sở tại. Và tôi có thể khẳng định mỗi khi đầu tư vào thị trường nào đó, việc đầu tiên chúng tôi làm là tuân thủ luật pháp. Điều đó cũng có nghĩa chúng tôi phải minh bạch về hoạt động kinh doanh, cũng có nghĩa là phải đóng thuế. Ở những thị trường làm ăn có lãi, chúng tôi luôn là doanh nghiệp đóng thuế nghiêm túc.
- Ông nghĩ sao khi CocaCola ở Việt Nam được cho là chưa minh bạch tài chính, thậm chí khai lỗ để tránh thuế thu nhập?
- Có 4 dòng thuế doanh nghiệp cần phải đóng, và thực tế ở Việt Nam, chúng tôi đã đóng thuế rất nhiều. Chỉ có điều chúng tôi chưa có khả năng đóng thuế thu nhập doanh nghiệp vì chưa có lợi nhuận. Trong các cuộc làm việc trước đây, cơ quan quản lý Việt Nam công nhận chúng tôi luôn làm đúng và minh bạch về tài chính. Chúng tôi sẵn sàng được thanh tra thuế nếu có yêu cầu từ các cơ quan chính phủ.
Một doanh nghiệp lớn như CocaCola, tồn tại cả trăm năm với những đòi hỏi khắt khe về nguyên tắc hoạt động, thương hiệu của chúng tôi xuất hiện mọi nơi, trước cửa mỗi gia đình, nếu có điều gì làm sai sẽ tổn hại uy tín chúng tôi đã mất công gây dựng bao năm qua. Từ nhãn quan của người kinh doanh tôi chỉ muốn nói điều này, chúng tôi tới đây nỗ lực đầu tư để phát triển lâu dài thì không có lý do gì và không thể tưởng tượng tại sao chúng tôi phải làm sai trái.
Chúng tôi luôn ý thức mình là ai và cần làm gì để trở thành một công dân tốt có trách nhiệm với xã hội. Chủ tịch của chúng tôi công bố kế hoạch đầu tư thêm 300 triệu USD vào cuối năm ngoái khi kinh tế thế giới đang khó khăn. Điều đó cho thấy chúng tôi có cái nhìn nghiêm túc, tích cực và lạc quan khi đầu tư vào Việt Nam, dù khó khăn chúng tôi vẫn đầu tư với niềm tin sẽ đạt lợi nhuận trong lâu dài. Cũng không mấy khác biệt khi dẫn chứng việc chúng tôi vừa đầu tư nhà máy quy mô lớn ở Myanmar dù nơi đây được đánh giá có rất nhiều thách thức.
- Những ngày này mọi người đang nói nhiều về Myanmar như một điểm đến nóng bỏng, hấp dẫn thậm chí còn được ví như mỏ vàng cho các nhà đầu tư. Trong kế hoạch phát triển của mình ở châu Á, các ông so sánh thế nào giữa Việt Nam và Myanmar?
- Về lý thuyết kinh doanh, dù có phấn khích tới đâu cũng khó có thể đặt hai điểm đầu tư lên bàn cân. Mở ra một thị trường mới cũng thú vị, nhưng không tới mức sao nhãng thị trường cũ. Chúng tôi đầu tư vào Việt Nam là để hướng tới người tiêu dùng Việt Nam, cũng như vậy với Myanmar. Chúng tôi đều thấy rất hứng thú với cả hai thị trường, dân số trẻ, thu nhập bình quân đầu người thấp vì vậy sẽ duy trì đầu tư ở cả hai nơi.
Việt Nam vẫn tiếp tục là điểm đầu tư hấp dẫn. Chúng tôi cảm thấy lạc quan với những tiến triển đang đạt được ở Việt Nam. Chúng tôi đến đây để ở lại đây và mong muốn với sự hiện diện của chúng tôi, thị trường Việt Nam sẽ thêm năng động và vô cùng hấp dẫn.
Song Linh