Từ đầu năm, 18 tác phẩm nội ra rạp, xấp xỉ cùng kỳ năm ngoái (20 phim). Theo ước tính của nhà phát hành CGV, tổng doanh thu phim Việt sáu tháng qua là 715 tỷ đồng, trong khi của cả năm 2018 là 750 tỷ đồng. "Bốn năm qua, doanh thu điện ảnh nội mỗi năm chỉ khoảng 750 tỷ đồng. Chắc chắn mức này sẽ bị phá sâu trong năm nay. Dấu hiệu tích cực này chứng tỏ thị trường đang tăng trưởng và có nhiều phim Việt chất lượng", đại diện đơn vị cho biết.
Phim nội chiếm 34% thị phần ở Việt Nam nửa đầu năm, cao hơn năm ngoái (23%). Trong bốn tháng đầu, tỷ lệ này lên đến 40%. Tuy nhiên, do sức hút của bom tấn Avengers: Endgame (ra mắt cuối tháng 4) và tháng 6 không có tác phẩm Việt, thị phần phim nội giảm hai tháng qua.
Nhiều cột mốc phòng vé được thiết lập. Thắng lớn mùa Tết, phim Cua lại vợ bầu của đạo diễn Nhất Trung đạt doanh thu cao nhất trong nước với 190 tỷ đồng. Dịp Tết năm nay cũng là lần đầu hai phim nội cán mốc 100 tỷ (Cua lại vợ bầu và Trạng Quỳnh).
Sau đó, Hai Phượng công bố đạt 200 tỷ (tính cả tiền bán vé ở nước ngoài và một số khoản khác), thành phim Việt ăn khách nhất mọi thời. Trong nước, tác phẩm do Lê Văn Kiệt đạo diễn thu khoảng 160 tỷ, là phim 18+ có doanh thu lớn nhất. Ở thị trường nhiều năm chuộng phim hài, tình cảm, phim của Ngô Thanh Vân là tác phẩm thuần hành động hiếm hoi hút khách.
Một số phim khác đạt doanh thu khả quan là Chị trợ lý của anh (đạo diễn Mỹ Tâm), Chị Mười Ba (Mr Tô, Khương Ngọc) và Lật mặt 4 (Lý Hải, thu 120 tỷ, cao nhất loạt phim). Như vậy, chỉ sáu tháng qua, điện ảnh Việt đã có bốn phim thu hơn trăm tỷ. Trước đây, đó là mức khó chạm đến của các nhà làm phim. Từ năm 2014 đến năm 2018, chỉ bốn phim cán mốc này là Em chưa 18, Siêu sao siêu ngố, Em là bà nội của anh và Để Mai tính 2.
Anh Nguyễn Phong Việt - chuyên gia truyền thông phim - cho biết ấn tượng với Cua lại vợ bầu và Hai Phượng. Theo anh, phong cách hài đan xen bi kịch trong Cua lại vợ bầu có thể được nhiều nhà làm phim theo đuổi thời gian tới. Còn phim có Ngô Thanh Vân đóng chính chinh phục khán giả nhờ chất lượng hành động. Ngoài ra, việc tăng số lượng rạp cũng giúp doanh thu phim nâng cao. Đại diện nhà phát hành CGV dự đoán thị trường điện ảnh Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh do dân số đông, nhu cầu xem phim lớn.
Tuy nhiên, điện ảnh nội chưa đồng đều về chất lượng. Trong khi Hai Phượng, Vợ ba được nhiều trang điện ảnh hàng đầu thế giới khen, một số phim Việt vẫn gây thất vọng lớn cho người xem. Cũng ra mắt mùa Tết, Táo Quậy thất bại với các mảng miếng hài kém duyên, kỹ xảo vụng. Các phim Vô gian đạo, Cuộc gọi định mệnh nhanh chóng rời rạp do yếu về dàn dựng, cách kể chuyện.
Hai phim được đầu tư nhiều nhưng không gây tiếng vang phòng vé là Hạnh phúc của mẹ và Ước hẹn mùa thu. Hạnh phúc của mẹ kể câu chuyện khá cũ về người mẹ có con bị thiểu năng. Phim bị bom tấn Captain Marvel lấn át ở rạp hồi tháng 3. Một lý do thất bại khác của phim là dư luận trái chiều cho diễn viên Kiều Minh Tuấn, Lâm Vinh Hải. Hai sao nam không được lòng người hâm mộ do chuyện đời tư.
Ước hẹn mùa thu được Nguyễn Quang Dũng đạo diễn ngay sau phim ăn khách Tháng năm rực rỡ (2018). Tuy nhiên, nhà làm phim không thể tiếp nối mạch thắng ở phòng vé. Dù phần hình ảnh được đầu tư cao, tác phẩm tình cảm pha hài thiếu các tình huống tạo cảm xúc mạnh. Diễn xuất của Quốc Anh và Hoàng Oanh trong hai vai chính cũng thiếu ăn ý.
Nửa năm qua, một số vấn đề gây bàn tán ở làng điện ảnh Việt. Trong mùa Tết, các tác phẩm so kè nhau từng ngày về doanh thu. Tuy nhiên, số liệu này do nhà phát hành tự công bố chứ Việt Nam chưa có đơn vị độc lập công khai doanh thu. Nếu phim ít khách, các hãng thường không chia sẻ. Trong tương lai, việc có cơ chế minh bạch doanh thu là cần thiết để khán giả, giới chuyên môn có cái nhìn rõ ràng về thị trường.
Sự cố của phim Vợ ba cho thấy lỗ hổng luật điện ảnh trong nước. Tác phẩm của đạo diễn Nguyễn Phương Anh gây tranh cãi vì diễn viên 13 tuổi đóng cảnh "nóng". Tuy nhiên, luật điện ảnh chưa quy định cụ thể việc người vị thành niên đóng các cảnh nhạy cảm. Dưới áp lực dư luận, nhà sản xuất cho dừng chiếu phim. Sau đó, đơn vị bị phạt nhưng do bản chiếu rạp khác bản được cấp phép chứ không phải do chuyện trẻ em đóng cảnh "nóng".
Ở cuộc họp Quốc hội hồi tháng 5, đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng lỗi ở cơ quan quản lý nhà nước không kiểm duyệt chặt chẽ từ đầu. Trong khi đó, đạo diễn Hồng Ánh, anh Nguyễn Phong Việt nói cơ sở luật pháp trong sự việc chưa rõ ràng. Giới chuyên môn nhận định luật điện ảnh nên quy định cụ thể hơn về chuyện người vị thành niên đóng cảnh nhạy cảm, mức độ được phép cũng như yêu cầu về người giám sát.
Một phim khác cũng bị cho là gặp rắc rối liên quan kiểm duyệt là Thiên linh cái. Tác phẩm kinh dị có Hoàng Yến Chibi, Thanh Tú dự kiến chiếu tháng 4 nhưng hủy kế hoạch, chưa thông báo ngày chiếu mới. Theo nhà sản xuất, phim hoãn ra mắt để hoàn thiện khâu hậu kỳ. Tuy nhiên, trên mạng xã hội, một số người nhận định Thiên linh cái có nhiều cảnh nhạy cảm nên khó qua kiểm duyệt.
Ân Nguyễn