Tác phẩm có bối cảnh trải dài từ Hà Nội, Thái Nguyên, Huế và chủ yếu ở Quảng Trị. Trường quay lớn nhất được xây dựng ở Quảng Trị, trên khu đất trống và một phần diện tích sông Thạch Hãn. Đoàn làm phim bắt đầu xây dựng từ tháng 7, gặp nhiều khó khăn do thời tiết xấu. Họ từng làm một cây cầu nhưng bị lũ cuốn trôi.
Mưa đỏ lấy diễn biến từ ngày thứ 40 trong cuộc chiến ở giai đoạn cam go nhất. Các khu vực như cổng thành, hầm giam tù binh được thiết kế sát nguyên mẫu, theo trạng thái hoang tàn, đổ nát, sau khi trận đấu đã đi qua một nửa. Êkíp tham khảo ý kiến nhiều chuyên gia lịch sử, văn hóa và các cựu binh.
Nhà thiết kế mỹ thuật Vũ Việt Hưng - từng phụ trách dựng phim trường Đào, phở và piano - đồng hành đoàn. Êkíp chăm chút từng chi tiết nhỏ. Nhiều cây cao được trồng từ khu vực khác, sau đó di chuyển đến bối cảnh. Các loại xe chiến đấu, súng ống, đều lấy nguyên mẫu, kích cỡ từ đời thật.
Để tái hiện sự khốc liệt, phim có nhiều cảnh cháy nổ, do chuyên gia Thái Lan và Binh chủng Công binh thực hiện. Trước mỗi cảnh, đạo diễn đều yêu cầu êkíp, diễn viên tập trước một ngày. Phân đoạn khó nhất là các cảnh vượt sông. Đoàn phim huy động các chiến sĩ đặc công, một số diễn viên quần chúng. Do quay phim trong thời tiết lạnh cuối tháng 11, phải thực hiện nhiều lần, một diễn viên gặp sự cố chuột rút khi bơi. Đoàn phim còn có một số cảnh vượt sông đêm. Để đảm bảo an toàn, họ dựng sạp, nhằm hạn chế sự cố.
Ngoài bối cảnh chiến trường chính, êkíp còn một số bối cảnh phụ, trong đó có hầm phẫu thuật. Đây là nơi cứu chữa các thương bệnh binh, họp bàn chiến lược. Khu vực khoảng hơn 300 mét, chia làm ba gian phòng. Ở thời điểm đông nhất, hàng trăm diễn viên, đóng vai các thương bệnh binh, chen chúc trong phòng mổ. Họa sĩ mỹ thuật chăm chút hình ảnh rễ cây ăn lan trong căn hầm, lớp tường rêu ở không gian ẩm thấp. Các vật dụng như giường, cáng, dụng cụ băng bó đều cũ nát, thô sơ. Đoàn phim còn nuôi giòi thật, dùng để bỏ vào tạo hình vết thương của một số nhân vật.
Diễn viên Hứa Vỹ Văn, đóng vai bác sĩ Lê trong phim, cho biết ám ảnh với các phân đoạn ở hầm phẫu thuật. Trong một cảnh quay, nhân vật phải ra quyết định cắt bỏ phần chân một chiến sĩ, để giữ tính mạng người này.
Một số đại cảnh lên đến vài trăm người, huy động nhiều diễn viên quần chúng là người dân địa phương. Nhiều người đến từ các tỉnh khác, khi biết đoàn tuyển diễn viên, đi tàu mất hai ngày để đến quay.
Đạo diễn Đặng Thái Huyền cho biết phim có nhân vật là sinh viên nhạc viện người Hà Nội. Tuy nhiên, êkíp không quay cảnh nhân vật đàn hát. "Chúng tôi không xây dựng cảnh này, do tính chất chiến trường Quảng Trị quá khốc liệt. Theo lời kể của nhiều nhân chứng, họ không còn tâm trạng ca hát khi chứng kiến đồng đội ngã xuống mỗi ngày. Vì thế, tác phẩm chỉ có một bản nhạc không lời", đạo diễn nói.
Tác phẩm dựa trên kịch bản chuyển thể từ tiểu thuyết Mưa đỏ của nhà văn Chu Lai. Khi dựng thành phim, êkíp giữ tinh thần anh hùng của tiểu thuyết gốc nhưng tiết chế chất văn học, đưa yếu tố thực chiến vào nhiều hơn. Theo Thượng tá Nguyễn Thu Dung - Giám đốc Điện ảnh Quân đội, nhà văn đã gửi kịch bản cho hãng từ 10 năm trước. Hãng ấp ủ phim trong thời gian dài, qua nhiều vòng chỉnh sửa, đến nay mới có tiềm lực thực hiện.
Tiểu thuyết Mưa đỏ xuất bản năm 2016, lấy bối cảnh cuộc chiến bảo vệ thành cổ Quảng Trị từ ngày 28/6/1972 đến 16/9/1972. Nhân vật chính là Đặng Huy Cường - một sinh viên nhạc viện, có bố là cựu binh chống Pháp, anh trai là liệt sĩ. Được chọn ra nước ngoài học nhưng Cường tình nguyện ra chiến trường.
Trong những tháng ngày đi lính, anh gặp nhiều người như Tiểu đội trưởng Tạ, Sen - chiến sĩ lớn tuổi người Sài Gòn, Cường - sinh viên nhạc viện người Hà Nội, Bình Vẩu - cựu sinh viên mỹ thuật quê Đông Hà, Hải Gù - công nhân điện nước quê Hà Tây, và người trẻ nhất là Tú, một chiến sĩ mới 16 tuổi. Họ đại diện cho nhiều tầng lớp khác nhau trong xã hội, nhưng chung mục đích chiến đấu vì hòa bình. Hình tượng "mưa đỏ" ẩn dụ về những mất mát, hy sinh của thế hệ thanh niên yêu quê hương, đất nước như máu thịt.
Mưa đỏ đoạt giải A cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2016 và giải A Giải thưởng Bộ Quốc phòng. Tác phẩm từng được dựng thành kịch nói, chèo, được giới chuyên môn đánh giá cao.
Nhà văn Chu Lai 78 tuổi, quê Hưng Yên, là con trai nhà viết kịch Học Phi. Trong thời kỳ chống Mỹ, ông công tác ở Đoàn kịch nói Tổng cục chính trị rồi trở thành chiến sĩ đặc công ở chiến trường miền Nam. Sau năm 1973, ông làm trợ lý tuyên huấn Quân khu 7.
Sau này, nhà văn công tác ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Thuộc thế hệ nhà văn khoác áo lính, các trang viết của ông lột tả chân thật không khí một thời bom đạn. Nhân vật của ông thường là những trí thức, người nông dân, công nhân, nguyện một lòng yêu nước. Họ dù trong thời chiến hay thời bình vẫn bộc lộ phẩm chất đáng quý. Trong hơn nửa thế kỷ viết văn, ông chung thủy với đề tài chiến tranh, có nhiều tác phẩm nổi tiếng như Ăn mày dĩ vãng, Nắng đồng bằng, Khúc bi tráng cuối cùng.
Trước Mưa đỏ, Hãng Phim truyện Việt Nam từng sản xuất Mùi cỏ cháy với cùng đề tài. Phim lấy bối cảnh năm 1971-1972, xoay quanh câu chuyện về bốn chàng sinh viên trẻ. Đang ngồi trên ghế nhà trường, họ quyết định lên đường nhập ngũ theo lệnh tổng động viên khi chiến tranh ập đến. Tuổi trẻ của họ bị chôn vùi giữa bom đạn, khói lửa ở mặt trận Quảng Trị. Tác phẩm của đạo diễn Hữu Mười đoạt Bông Sen Bạc và Cánh Diều Vàng năm 2012.
Năm nay, dòng phim chiến tranh được khán giả quan tâm, đón nhận hơn. Hồi tháng 2, phim Đào, phở và piano của đạo diễn Phi Tiến Sơn tạo ra "cơn sốt" săn vé, thu về 21 tỷ đồng, hòa vốn sau ba tháng công chiếu. Theo Cục Điện ảnh, đây là hiện tượng "chưa từng có" với các phim do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đặt hàng, chỉ phát hành ở một số rạp Nhà nước.
Ngoài Mưa đỏ, một phim đề tài chiến tranh đang được sản xuất là Địa đạo (đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, Thái Hòa đóng chính), nói về cuộc chiến ở Củ Chi năm 1967.
Hà Thu