Hà Nội xưa có khá nhiều rạp chiếu bóng ( bây giờ gọi là rạp chiếu phim ), các rạp Cửa Nam, Công Nhân, Dân Chủ, Hòa Bình, Tháng Tám, Đống Đa… được phân bố khá đều. Đặc biệt có rạp Kim Đồng chuyên phục vụ cho trẻ em, giá vé rất rẻ, chỉ 1 hào/vé (10 hào = 1 đồng).
Thật là tuyệt khi xem phim xong lại được ăn kem. Kem Tràng Tiền, kem Hòa Bình, kem Hồng Vân, kem Long Vân, kem Cẩm Vân, kem Bốn Mùa, kem Hàng Vôi…
Phim ngày xưa được chọn lọc kỹ và có tính giáo dục rất cao. Không có cảnh nóng câu khách như bây giờ mà vẫn để lại dấu ấn đậm nét trong lòng người xem. Tôi không bao giờ quên hình ảnh cô gái Nga tựa lưng cây bạch dương nhìn người yêu đi xa cuối tập 1 của phim “Cô gái Kiep”, rất đẹp và đủ để nói lên tất cả.
Hay những cảnh xúc động trong phim “Vợ chồng A Phủ”. Những đoạn nhạc tưng bừng trong phim ”Những kẻ báo thù không bao giờ bị bắt”. Những cảnh hồi hộp nhưng không rùng rợn trong phim: "Những đứa con của Gấu Mẹ ví đại”. Cảnh vui làm người xem cười thoải mái trong: "Nghêu sò ốc hến” …
Phim ảnh cũng ảnh hưởng khá lớn đến giới thanh thiếu niên. Chẳng thế, có những kiểu để tóc như kiểu Olexia ( tên một nhân vật phim), kiểu Chiến hạm nổ tung ở cảng ( tên một bộ phim ). Hay con gái hay để ảnh của Đi - a - nốp, con trai hay để ảnh của Ái Vân trong ví.
Phim ảnh bây giờ nhiều mà không chất: hài nhạt như nước ốc thậm chí đôi khi thô tục, tình thì sướt mướt lê thê lằng nhằng, xã hội thì nhiều đấm đá bạo lực quá, lắm cảnh ăn chơi trụy lạc, hút hít đong đưa, đi xe máy thì lạng lách, bia lon rượu ngoại thì nốc ừng ực, quần áo hở hang, gần như phim nào cũng có cảnh trai gái đè lên nhau, cứ giám đốc là phải bụng to trai gái tham ô, cứ bí thư là phải khắc khổ ngày gò…thật là chán. Sao ít phim nói lên hạnh phúc bình dị đời thường mà sâu sắc như chính các câu chuyên có thật.
Phim thị trường đúng là thua xa phim bao cấp.
Tô Minh