Edvard Munch (1863 - 1944) được coi là họa sĩ tiên phong của trường phái biểu hiện. Kỷ niệm 150 năm ngày sinh của ông, một triển lãm lớn mang tên Munch 150 đã được tổ chức ở Bảo tàng Quốc gia và Bảo tàng Munch, Nauy. Nhà sản xuất Phil Grabsky theo đó thực hiện một phim tài liệu về triển lãm này, dự kiến phim được chiếu tại 1.000 rạp ở hơn 30 quốc gia trên thế giới.
Bộ phim Munch 150 giới thiệu các bức tranh trong triển lãm một cách sống động nhất với những hình ảnh đẹp, chi tiết. Các giám tuyển tại Nauy đã cung cấp cho đoàn làm phim những góc nhìn chuyên gia giúp họ tạo ra những thước phim có giá trị.

Một hình ảnh trong phim tài liệu Munch 150.
Bộ phim khắc họa hình ảnh 220 bức tranh trong triển lãm đầy sống động, với mong muốn người xem có thể cảm giác như đang đứng trong không gian của bảo tàng ở Oslo để chiêm ngưỡng tác phẩm.
Để giúp khán giả hiểu hơn về nghệ thuật của Munch, phim cũng đưa ra những lời giới thiệu về các tác phẩm. Các bức nổi tiếng như Đứa trẻ ốm, Những cô gái bên cầu, Cái chết của người Marat, Chân dung tự họa giữa Đồng hồ và Cái giường, Tiếng thét (từng được bán với giá kỷ lục là 120 triệu USD), Madonna, Vũ điệu cuộc đời, Cái chết trong căn phòng người ốm... được đánh giá luận bàn sâu sắc. Chưa hết, con người và cuộc đời của Munch còn được tái hiện thông qua những thông tin và hình ảnh của bộ phim này.

Munch - người tiên phong của trường phải biểu hiện.
Bộ phim Munch 150 nằm trong dự án phim tài liệu Triển lãm - nghệ thuật lớn trên màn ảnh do Phil Grabsky thực hiện nhằm kết nối các triển lãm lớn trên toàn thế giới.
Munch 150 được trình chiếu tại trung tâm Phát triển Tài năng Điện ảnh, 22A Hai Bà Trưng, Hà Nội trong hai ngày 21 và 22/11. Buổi chiếu là một dịp thưởng thức hiếm cho công chúng ưa thích sự sáng tạo trong điện ảnh và những khán giả yêu thích hội họa.
* Một số bức tranh của Edvard Munch |
Hiền Đỗ