Mùa một Sex/Life - gồm tám tập, phát hành cuối tháng 6 trên Netflix - kể về Billie (Sarah Shahi đóng), một nghiên cứu sinh tâm lý học đang làm luận án tiến sĩ. Cô có cuộc sống được xem như hoàn hảo trong mắt bạn bè với người chồng đẹp trai, thành đạt và hai con. Cả gia đình sống tại vùng ngoại ô yên bình, tươi đẹp Connecticut. Tuy nhiên, sau vài năm, Billie dần không thấy hạnh phúc và nhớ lại tuổi trẻ nổi loạn cùng mối tình cuồng nhiệt, buông thả.
Vào top 10 được xem nhiều của dịch vụ phim trực tuyến, Sex/Life nhận nhiều lời chỉ trích hơn khen ngợi. Theo thống kê từ Rotten Tomatoes, phim chỉ đạt 29% điểm tích cực từ giới phê bình và 37% từ khán giả sau hơn một tuần phát sóng. Chuyên gia Rotten Tomatoes tổng hợp ý kiến của các nhà phê bình: "Bộ phim có ý tưởng táo bạo nhưng tràn ngập cảnh tình dục cùng lối viết kịch bản khoa trương. Sex/Life khiến người xem cảm giác ê-kíp quá ám ảnh với tình dục và không thể biến nó thành một bộ phim hay".
Đa phần giới phê bình so sánh tác phẩm với một bộ phim khiêu dâm hạng nhẹ. Cây viết Thomas Mitchell của Sydney Morning Herald nhận xét: "Dù cố đào sâu, bạn nhận ra bộ phim chỉ là sự tổng hợp của hàng loạt cảnh sex cùng những câu thoại xen kẽ tiếng rên rỉ". Tờ Slate thống kê mỗi tập có khoảng 2,75 cảnh nóng xuất hiện, thời lượng dài, ngắn khác nhau, riêng tập đầu tiên có tới năm cảnh.
Tờ Independent nhận xét mật độ dày đặc cảnh nóng của phim khiến nhà sản xuất Bridgerton (một series 18+ đình đám khác của Netflix) phải ngượng ngùng khi ngồi xem. Nữ chính Shahi cũng thừa nhận với trang Refinery29 rằng cô phải đóng "quá nhiều cảnh sex" khi tham gia series này.
Phim thời gian qua trở thành "chủ đề hot" trên các mạng xã hội như Twitter và TikTok. Một trong những cảnh gây ồn ào nhất là ê-kíp quay cận cảnh dương vật của một nam chính khi tắm. Stacy Rukeyser - nhà sản xuất series - cho rằng các cảnh khỏa thân trần trụi giúp phát triển cốt truyện và tính cách nhân vật.
Nhiều khán giả lên án series lãng mạn hóa các thú vui tình dục không lành mạnh, từ quan hệ tại nơi công cộng - trong bể bơi, thang máy, cầu thang - cho tới hành vi ngoại tình, trao đổi bạn tình hay bạo dâm.
Bên cảnh yếu tố khỏa thân, khán giả và giới phê bình cũng đặt nhiều câu hỏi về các tình tiết không hợp lý trong phim. Tờ CNN và Collider khẳng định Sex/Life không có chủ đề tư tưởng rõ ràng và không để lại thông điệp gì cho khán giả sau khi xem. Cây viết Karen Han của tờ Slate nói cô ghét tất cả nhân vật trong phim vì tính cách và những hành động khó hiểu của họ.
Một khán giả tên Li đánh giá phim 1 trên 5 sao trên trang chấm điểm của Google, chỉ trích phim xây dựng quan điểm lệch lạc về nữ quyền: "Sự tự do của phụ nữ không đồng nghĩa cô ấy có thể quan hệ tình dục với bất kỳ ai. Sự tự do thật sự là được người khác tôn trọng. Thông điệp 'sức mạnh nữ giới' trong phim là giả dối. Bộ phim chỉ củng cố thêm những quan điểm kỳ thị giới tính và tình dục hóa hình ảnh phụ nữ".
Đạt Phan