Tại Liên hoan phim Quốc tế Tokyo lần thứ 28 đang diễn ra tại thủ đô Nhật Bản, ba bộ phim chủ nhà nhận được sự quan tâm lớn của báo giới quốc tế cũng như khán giả khi chọn những đề tài gai góc và sử dụng ngôn ngữ điện ảnh có cá tính riêng biệt. Foujita, Sayonara (xem trailer) hay The Inerasable (xem trailer) đều là những ứng viên nặng ký ở các hạng mục năm nay. Những bộ phim này vẽ nên một nước Nhật không “như trong mơ”, khác với các hình ảnh quảng bá du lịch thông thường của đất nước này.
Foujita của đạo diễn Kohei Oguri được quay ở cả Pháp và Nhật, nói về cuộc đời thăng trầm của họa sĩ có thật ngoài đời – Tsuguharu Foujita. Vào thập niên 1920, Foujita là họa sĩ có tiếng sống ở thành Paris (Pháp) hoa lệ, ngày ngày góp mặt trong những bữa tiệc tùng, vui thú hoan lạc bên những cô gái da trắng. Chiến tranh thế giới ập đến, Foujita trở về nước, vẽ những bức tranh về hậu quả của cuộc chiến để thể hiện sự khốc liệt của bom đạn. Khi về già, ông lui về một ngôi làng cách xa Tokyo sống gần gũi với thiên nhiên nhưng ở đằng xa kia, tiếng súng vẫn ngày ngày nổ, xác người nhuốm máu cả dòng suối oan nghiệt chảy xuyên rừng…
Nếu như Foujita nói nhiều về quá khứ của nước Nhật, Sayonara lại là bộ phim khai thác về tương lai, với mốc thời gian hư cấu, khi xứ Phù Tang bị nhiễm phóng xạ, người dân lần lượt kéo nhau đi tị nạn tại các quốc gia khác. Nhân vật chính của phim là một cô gái người Nam Phi sống cùng một robot già đã bị “chai pin” lúc nào cũng phải ngồi xe lăn sạc trong một ngôi nhà nhỏ giữa vùng đồng quê nước Nhật. Cô gái ngày ngày chờ được gọi tên để chuyển đi một vùng đất mới, nhưng tất cả mọi người đều đi hết chỉ còn lại cô và người bạn robot già cỗi ở lại vùng đất không có sự sống, chỉ có nỗi cô đơn.
Bộ phim thứ ba của nước chủ nhà mà Liên hoan phim Tokyo chọn tranh giải là The Inerasable – một phim kinh dị - thể loại vốn là “đặc sản” của điện ảnh nước này. Chuyện phim kể về Ono - một nữ nhà văn chuyên viết truyện ma dựa trên những đóng góp của độc giả gửi về. Một lần nọ, câu chuyện của nữ sinh viên trẻ ngành kiến trúc đã thu hút Ono. Cô gái trẻ khi chuyển tới một căn hộ chung cư đêm đêm nghe thấy tiếng động lạ trên nền nhà, như có một ai treo cổ và vạt áo kimino quẹt qua quẹt lại trên tấm chiếu. Cuộc điều tra đưa cả hai đến với thế giới tâm linh kỳ bí của những hồn ma và vụ án những đứa trẻ bị giết năm xưa…
Cả ba bộ phim mang những phong cách, đề tài khác nhau nhưng đều truyền tải văn hóa của người Nhật. Foujita cho thấy một thời kỳ lịch sử của chiến tranh và mô tả một bức tranh mang vẻ đẹp buồn, đau đớn khi người họa sĩ phải tạm quên giấc mơ nghệ thuật để vẽ những thứ mình không muốn. Sayonara lại cho thấy sức sống tiềm tàng và lạc quan của người Nhật. Ở những khoảnh khắc tưởng như cái chết đang tới gần, người ta vẫn có thể thấy những bông hoa đỏ thắm tượng trưng cho sự sống đang mọc lên ở mảnh đất khô cằn của phóng xạ. Với The Inerasable, tâm linh, tín ngưỡng của người Nhật về cõi âm cũng được thể hiện rõ thông qua quan niệm về không gian sống.
Trừ phim kinh dị The Inerasable, hai bộ phim Foujita và Sayonara đều có tiết tấu khá chậm, giống như một bài thơ mà người thưởng thức trước khi đọc hết phải có thêm chén trà, chiếc bánh quy và chậm rãi nghiền ngẫm. Tuy nhiên trong từng chi tiết, các nhà làm phim đều đẩy mạnh yếu tố cảm giác, hút người xem vào cái thế giới mà các nhân vật đang trải qua.
Đặc biệt hơn, các đạo diễn cũng thích dùng hình ảnh tương phản giữa các cảnh để lột tả sự thăng trầm trong cảm xúc. Bữa tiệc khi họa sĩ Foujita còn sống ở Paris rất xa hoa, lộng lẫy không kém các như tiệc trong các phim The Great Gatsby, The Great Beauty nhưng sau đó chỉ còn là một nỗi trống trải. Cô gái Nam Phi trong Sayonara sống ở một nơi cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp nhưng ở đó chỉ có robot già bầu bạn. Thú vui tiêu khiển của cô là ngày ngày nghe đọc thơ, ngắm nhìn thế giới tàn bên ô cửa sổ và say ngủ.
Trong The Inerasable, cô sinh viên kiến trúc Kudo chăm chỉ làm việc để có thể đủ tiền thuê một căn hộ ở riêng. Ngày đầu dọn vào nhà mới với bao háo hức thì ngay sau đó, tiếng động lạ trong phòng ngủ trở thành cơn ác mộng diễn ra hàng đêm với cô.
Nhật Bản là một đất nước của sự đối lập. Cảnh sắc thiên nhiên, chất lượng dịch vụ, ẩm thực, nền công nghệ phát triển và sự thân thiện của con người nơi đây có thể khiến cả thế giới phải thán phục. Nhưng cũng chính cường độ làm việc căng thẳng, cuộc sống đầy khắc nghiệt với nỗi lo động đất bất cứ khi nào, ảnh hưởng của phóng xạ là những mặt trái của nước Nhật mà người dân vẫn đang học cách chung sống với nó hàng ngày.
Tại Liên hoan phim Tokyo lần này, thay vì giới thiệu cảnh sắc thiên nhiên mùa hoa anh đào, mùa lá đỏ hay chuyện tình cảm nam – nữ qua các phim lãng mạn, mang tính giải trí cao, người Nhật lại chọn những câu chuyện dữ dội để cho thấy một sức sống tiềm tàng, bền bỉ và niềm tin vào cuộc đời dù nó có khắc nghiệt tới đâu. Chính những lựa chọn này đã khiến ba bộ phim Nhật trở thành tâm điểm trong hạng mục Tranh giải tại Liên hoan phim Quốc tế Tokyo năm nay.
Nguyên Minh