Tác phẩm là phần hai của Nắng - phim ăn khách năm 2016 với doanh thu khoảng 70 tỷ của đạo diễn Đồng Đăng Giao và nhà sản xuất Nhất Trung. Trong phim mới, người mẹ thiểu năng Mưa (Thu Trang) và bé Nắng (Kim Thư) một lần nữa ly tán. Mẹ Mưa bị tên giang hồ Hoàng (Hoàng Phi) bắt ép lên chiếc xe do cô tiểu thư Linh (Miu Lê) cầm lái.
Hoàng bắt hai người phụ nữ phải đi theo mình về Phan Rang, trốn chạy đám giang hồ. Mất mẹ, bé Nắng tất tả đi tìm mẹ với sự hỗ trợ của Lâm (Trấn Thành) và Tuấn (Kiều Minh Tuấn) - hai người bạn của gia đình.
* Bé Kim Thư khóc ngất tìm mẹ trong phim
Nắng 2 vẫn hướng đến thông điệp nhân văn về tình cha mẹ, tình người. Nỗi đau khi hai mẹ con bị chia cắt được thể hiện qua nhiều cảnh quay. Suốt ngày, Nắng lang thang ngoài đường, nức nở gặng hỏi nhiều người về mẹ. Đến đêm, mặc cho nguy hiểm, đói khát, cô bé vẫn rảo bước trên những con đường vắng.
Trong khi đó, mẹ Mưa đau đáu nỗi nhớ con suốt hành trình, thốt không nên lời khi được tên giang hồ cho gọi điện thoại tới con. Phim cũng khéo đan xen nhiều cảnh cũ từ phần trước về cuộc sống lam lũ, sớm tối có nhau giữa hai mẹ con. Cảnh cảm động nhất Nắng 2 là khi người mẹ thiểu năng gào khóc khi con bị đụng xe lúc đang chạy về phía cô - tình tiết được giới thiệu trong trailer.
Ngoài tình mẫu tử, phim còn khắc hoạ tình phụ tử giữa tên giang hồ và người cha bệnh nặng, cũng như tình cảm gắn bó giữa ba người trên chuyến xe. Lúc đầu, Linh và mẹ Mưa bị Hoàng ép buộc phải theo mình, nhưng sau khi biết hoàn cảnh đáng thương của tên giang hồ, họ chủ động giúp đỡ anh hoàn thành nghĩa vụ của người con.
Tuy nhiên, kịch bản là điểm yếu của tác phẩm. Câu chuyện xoay quanh mô-típ phim hành trình của Mỹ (nhiều người cùng đi trên một chuyến xe), nhưng các tình tiết được cài cắm trên đường tương đối rời rạc. Biên kịch chủ yếu sử dụng các mảng miếng hài cũ kỹ, tiêu biểu như trích đoạn cả nhóm dừng xe để các cụ già qua đường.
Dù Hoàng Phi, Miu Lê và Thu Trang đều có khả năng diễn xuất, họ không có nhiều màn tung hứng đắt giá. Các mẩu đối thoại của ba nhân vật thường lan man, giống kiểu "nói qua nói lại" trên sân khấu. Tình tiết có ý đồ nhất - liên quan đến các chai nước sâm dỏm ở cây xăng - lại được xử lý lê thê.
Song song với tuyến của mẹ Mưa, tuyến của Trấn Thành và Kiều Minh Tuấn cũng kém ấn tượng. Trong suốt phim, hai nhân vật của họ cứ tranh chấp, cãi nhau về những điều vụn vặt mà không có tình huống gì đặc sắc. Đây là bước lùi so với phần trước, vốn có những cảnh hài rất duyên khi hai gã trai phải tìm cách thích ứng với cuộc sống khó khăn trong nhà mẹ Mưa.
Sau cao trào, phim kết thúc chóng vánh gây hụt hẫng. Hai nhân vật Hoàng và Linh nhanh chóng biến mất khỏi phim, còn chi tiết then chốt dẫn đến việc tên giang hồ phải bỏ trốn lại chưa được giải quyết rõ. Phim cũng mắc lỗi logic khi không hiểu vì sao Hoàng phải kiểm soát mẹ Mưa lâu đến thế dù cô không có ích gì.
Trong phần một, câu chuyện có đường dây rõ ràng. Ở Nắng 2, kịch bản cố chắp nối nhiều tình tiết không liên quan, cộng thêm lối chuyển cảnh đột ngột khiến mạch phim bị vụn. Về hình ảnh, ê-kíp có nỗ lực mở rộng bối cảnh, ghi hình ở các cung đường nắng gió và đồi cát theo chân hành trình của 3 nhân vật. Tuy nhiên, các đúp quay giang hồ truy đuổi, đánh nhau còn khá sơ sài.
Trong các diễn viên, bé Kim Thư vẫn là linh hồn của phim, nhất là các cảnh khóc. Tuy nhiên, ở một số trích đoạn, kịch bản lại cho bé nhiều câu nói triết lý làm mất sự tự nhiên của nhân vật con nít. Lúc Nắng đi tìm mẹ ban đêm, giọt nước mắt của Kim Thư đang gây xúc động thì bỗng bé gặp một bé trai khác cũng đang xa gia đình. Cùng nhau, hai diễn viên nhí bày tỏ tình cảm với cha mẹ bằng những câu thoại rất "người lớn", nặng tính sắp đặt.
Diễn xuất của Thu Trang, Trấn Thành và Kiều Minh Tuấn không mới mẻ so với phần trước. Miu Lê vẫn tròn vai tưng tửng, cá tính, còn Hoàng Phi diễn tốt hình tượng tên giang hồ tình nghĩa. Nhưng bởi các nhân vật thiếu kết nối, sự bổ sung hai diễn viên mới cũng không nâng tầm tổng thể phim
Nắng 2 khởi chiếu từ ngày 31/8.
Ân Nguyễn