* Bài tiết lộ nội dung phim
Kiều là phim được thực hiện dịp kỷ niệm 200 năm ngày mất của thi hào Nguyễn Du (1820 - 2020), do Mai Thu Huyền sản xuất và đạo diễn. Phim chỉ chọn một trích đoạn từ nguyên tác Truyện Kiều để phóng tác kịch bản. Êkíp tập trung khắc họa tình tay ba giữa Thúy Kiều (Mỹ Duyên), Thúc Sinh (Lê Anh Huy đóng) và Hoạn Thư (Cao Thái Hà). Nữ đạo diễn cho rằng, Thúc Sinh là một trong ba người đàn ông quan trọng của đời Kiều, bên cạnh Kim Trọng và Từ Hải. Theo chị, mối tình của họ mang nhiều chi tiết đậm hơi thở đương đại khi đưa lên màn ảnh rộng.
Phim mở màn ở phân cảnh gia đình Vương ông bị vu oan, Thúy Kiều phải bán mình chuộc cha và em trai. Bị lừa vào chốn thanh lâu, nàng hoang mang, tìm cách trốn khỏi Tú Bà (Phương Thanh) và Mã Giám Sinh (Long "đẹp trai") nhưng bất lực. Chấp nhận làm kỹ nữ, một lần, nàng được Tú Bà đưa ra ngoài và gặp Thúc Sinh - doanh nhân buôn lụa. Xiêu lòng trước tài sắc của Kiều, Thúc Sinh đối đầu Hiền Bá - một khách lầu xanh cũng mê mệt nàng, cùng Kiều trốn đến vùng thâm sơn sinh sống. Ở quê nhà, Hoạn Thư (Cao Thái Hà) hay tin chồng có nhân tình, vội điều tra và lên kế hoạch trả thù Kiều.
Hai vai chính - Kiều và Thúc Sinh - diễn tương đối tròn trịa dù mới lấn sân lĩnh vực phim ảnh. Lần đầu góp mặt trong một phim chiếu rạp, Trình Mỹ Duyên - sinh năm 1995, vốn là người mẫu - được tạo hình đẹp. Ở phân cảnh Kiều lần đầu vào lầu xanh, từng góc quay cận khắc họa gương mặt nhân vật để miêu tả vẻ đẹp "hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh". Mỹ Duyên nỗ lực diễn xuất qua ánh mắt. Những cảnh Kiều bị làm nhục giữa lầu xanh, nhân vật toát lên vẻ tủi hổ, cam chịu. Lần đầu gặp Thúc Sinh, Kiều thể hiện nét mơ màng, tình ý. Ở cảnh nhận ra Thúc Sinh là chồng Hoạn Thư, diễn viên đẩy được cảm xúc người xem khi Kiều rơi vào tâm trạng bàng hoàng, chới với.
Tương tự, Thúc Sinh cũng là một vai "đo ni đóng giày" cho Lê Anh Huy - diễn viên Việt kiều cao 1,91 m. So với tác phẩm gốc, nhân vật được lý tưởng hóa với vóc dáng cao lớn, đạo mạo, điển trai, giỏi võ công. Trong cảnh Thúc Sinh và Kiều tận hưởng cuộc sống đôi lứa ở chốn sơn cốc, ngoại hình sáng của đôi diễn viên giúp cảnh mang màu sắc ngôn tình. Dù vậy, ở những phân đoạn nặng tính tâm lý - như Thúc Sinh bị dồn vào thế bên nghĩa, bên tình, diễn xuất của Lê Anh Huy còn lửng lơ, chưa bộc lộ hết nỗi đau nhân vật. Bi kịch của Thúc Sinh là một người đàn ông vừa có mối tình đậm sâu với người thương, vừa chịu ơn cưu mang từ gia đình vợ.
Điểm sáng diễn xuất thuộc về Cao Thái Hà. Vào vai Hoạn Thư, diễn viên thể hiện chuyển biến tâm trạng của người vợ có chồng "đồng sàng dị mộng". Từ chỗ tin yêu chồng, Hoạn Thư dần nhận ra chàng đã thuộc về người phụ nữ khác. Trong cảnh chứng kiến Thúc Sinh ngoại tình, diễn viên khắc họa nỗi bẽ bàng, chua xót qua ánh mắt, cơ mặt lẫn động tác hình thể. Lối "đánh ghen" của nhân vật cũng có sự thay đổi với nguyên tác. Không còn những trận đòn "ngứa ghẻ hờn ghen", Hoạn Thư bắt Kiều phải vừa đàn vừa chứng kiến nàng và Thúc Sinh âu yếm. Đường dây tâm lý của nhân vật được thể hiện đa dạng, có lúc đắc ý nhìn "người thứ ba" đau đớn, khi nhận ra chồng vẫn hết lòng vì người tình.
Các nhân vật phản diện dừng ở mức tròn vai. Hoạn Bà - mẹ của Hoạn Thư (Lê Khanh) - nổi bật trong tuyến phản diện, người đứng sau kế hoạch trả thù của con gái. Trở lại màn ảnh sau nhiều năm, Phương Thanh không đủ "đất" diễn để lột tả hết vẻ nham hiểm của Tú Bà. Hiền Bá (Hiếu Hiền) - một nhân vật phóng tác khác - chưa thoát khỏi khuôn mẫu xưa cũ của dạng vai cường hào ác bá.
Nhân vật Đạm Tiên (Mai Thu Huyền đóng) xuất hiện xuyên suốt phim, giúp Kiều vượt qua nhiều tình huống nguy khốn. Mai Thu Huyền cho biết nhân vật được thêm thắt khác nguyên tác, nhằm giúp phim mang màu sắc fantasy (kỳ ảo) hơn. Thông qua Kiều và Đạm Tiên, êkíp mong khắc họa khát vọng tự do, được sống và yêu của người phụ nữ dù ở xã hội, thời đại nào.
Phim mắc nhiều điểm trừ ở khâu kịch bản. Dù chỉ chọn một lát cắt trong cuộc đời 15 năm lưu lạc của Kiều, với thời lượng 90 phút, phim chuyển biến chóng vánh, chưa hợp lý. Chuyện tình Kiều, Thúc Sinh diễn tiến khá nhanh dù chỉ sau một lần gặp, chưa trò chuyện nhiều. Khi cao trào giữa chuyện tình tay ba nổ ra, cách giải quyết có phần qua loa, các nhân vật chỉ chia sẻ nỗi niềm qua vài lời thoại. Kết phim khép lại bằng một số cảnh mang tính ước lệ, để lại số phận nàng Kiều còn lửng lơ.
Dù được đầu tư về bối cảnh, khâu kỹ xảo lại là điểm yếu của phim, nhất là trong các cảnh Đạm Tiên xuất hiện. Kỹ thuật dựng phim không nhịp nhàng, khiến nhiều phân đoạn chuyển cảnh đột ngột, dễ tạo cảm giác hụt hẫng. Âm nhạc chưa được khai thác hợp lý. Ở nhiều cảnh mang tính nội tâm, những đoạn nhạc không lời được chèn vào với dụng ý "mồi" cảm xúc cho người xem. Điểm cộng hiếm hoi là ca khúc chính Kiều mệnh khúc do Bùi Lan Hương thể hiện, Huy Tuấn viết nhạc với phần lời lấy cảm hứng từ tứ thơ của Nguyễn Du.
Tam Kỳ