Sau Hiệp sĩ mù, Lưu Huỳnh trở lại với vai trò biên kịch và đạo diễn trong dự án Hy sinh đời trai. Tác phẩm mới thể hiện sự xuống tay của nhà làm phim từng lưu dấu ấn trên bản đồ điện ảnh Việt bằng Áo lụa Hà Đông, Huyền thoại bất tử hay Lấy chồng người ta.
Hy sinh đời trai mở đầu bằng việc giới thiệu chân dung chàng công tử tên Linh (Tấn Beo) là con một trong gia đình có bố mẹ giàu có ở miệt vườn Nam bộ. Vì sợ đàn bà, Linh nhất quyết không cưới vợ. Anh chỉ mê đờn ca tài tử, chấp nhận trả mọi vàng bạc và tiền nong cho cha mẹ để xách cây đàn đi lang thang trong các hang cùng ngõ hẻm, thi thoảng gảy đàn hát xướng. "Cậu hai" coi như vậy là cuộc sống tự do và không ràng buộc. Khi anh bị cha mẹ thúc ép cưới, những tình huống nực cười xảy ra.
Kịch bản không kể về chuyện gì rõ ràng. Nhân vật chính là một người đàn ông bình thường. Anh ta mang nỗi sợ đàn bà cũng như quan niệm phụ nữ gây đau khổ cho đàn ông mà không có lý do cụ thể. Điều vô lý này làm hỏng logic chung của phim. Câu chuyện còn bất nhất giữa nửa trước và nửa sau. Ở đầu phim, Linh sợ đàn bà nhưng đến giữa phim anh ta bỗng thổ lộ tình cảm với cô ca sĩ tên Xuân (Phi Nhung) và rồi tìm mọi cách năn nỉ để được cưới cô làm vợ.
Hơn 90 phút phim là tập hợp những mẩu chuyện vụn vặt không đầu không cuối. Chúng được được ghép nối vào nhau mà không theo quan hệ nguyên nhân - kết quả. Nhân vật không có động cơ thực hiện một nhiệm vụ nào cụ thể. Anh ta đi lang thang trong các ngõ tối, ngủ vạ vật ở những dãy trọ tồi tàn, đi bar, đi phá đám hôn lễ của cháu trai, đi làm bảo vệ... không vì mục đích gì cho tới hết phim. Vì thế, nhịp phim không có cao trào, thắt nút hay mở nút bất ngờ.
Xuyên suốt phim, các nhân vật trao đổi với nhau bằng những lời sáo rỗng, bay bướm và đôi chút ngớ ngẩn. Nhân vật Linh thường xuyên nói những câu trích ra từ các bài hát như "Ôi đàn bà là những niềm đau" hay "Đàn bà là thượng đế" còn Phi Nhung mang nguyên vẻ mặt cô đứng hát và biểu diễn trên sân khấu vào phim.
Cùng lời thoại nặng tính văn học, các diễn viên diễn xuất có tính ước lệ và sân khấu. Việc Tấn Beo đeo cây đàn đi mọi nơi mang rõ tính kịch của phim. Trong hát tuồng, nhân vật mang gươm hay kiếm để biểu thị cho khán giả thấy anh ta là con nhà võ. Tài diễn kịch sân khấu của Tấn Beo được lạm dụng quá mức khiến diễn xuất của anh không tự nhiên.
Nhiều nghệ sĩ cũng như ngôi sao tên tuổi gồm Hồ Ngọc Hà, Lý Hùng, Andrea Aybar hay Chánh Tín... được đưa vào kịch bản thành những nhân vật phụ và không đóng vai trò quan trọng nào. Khán giả xem phim giống như điểm mặt sự xuất hiện người nổi tiếng thay vì theo dõi các nhân vật tương tác với nhau trong một câu chuyện đồng nhất.
Hy sinh đời trai không ra "chất" của một phim ca nhạc. Trong phim ca nhạc, những tiết mục biểu diễn được đưa vào chỉ để phụ họa và làm giàu cho diễn biến nội dung. Gần như ngược lại, nhiều cảnh của Hy sinh đời trai dùng diễn xuất mang tính sân khấu để phụ họa cho tiết mục ca hát.
Bộ phim khắc họa đôi ba hình ảnh đẹp lấy từ bối cảnh là không gian sông nước mênh mang của miền Tây. Các đoạn nhạc nếu tách nghe riêng rẻ sẽ thấy phần hòa âm chỉn chu, chắc tay của nhạc sĩ Đức Trí. Việc biến tấu giai điệu theo lối đờn ca tài tử, với âm thanh của một số nhạc cụ dân tộc, làm cho các bài hát quen thuộc trở nên lạ lẫm, thú vị.
Hy sinh đời trai ra rạp từ ngày 21/8.
* Trailer phim "Hy sinh đời trai" |
|
Lý Lan