![]() |
Cảnh trong Đam mê Điện ảnh. |
Ngành công nghệ giải trí của Hàn Quốc đã có bước tiến đáng kể về điện ảnh so với các nước châu Á, vượt qua cả Hong Kong, Đài Loan, Nhật Bản. Từ thành công đó, điện ảnh và truyền hình Hàn Quốc bắt đầu du nhập vào châu Á, thậm chí cạnh tranh với các "siêu phẩm" của Hollywood.
Năm 1998, phim Hàn Quốc đã đến với khán giả Việt Nam thông qua màn ảnh nhỏ. Sau đó là những bộ phim truyện nhựa Hàn Quốc xuất hiện trên hệ thống chiếu bóng công cộng. Đến nay, tỷ lệ phim Hàn Quốc vẫn chiếm đa số trên truyền hình, các rạp chiếu bóng chứ không phải là những bộ phim truyền hình dài tập Việt Nam.
Những bộ phim truyền hình dài tập Hàn Quốc được phát sóng trên màn ảnh như: Bản tình ca mùa đông, Mối tình đầu, Ngày hôm qua, Hoa cúc vàng, Anh em nhà bác sĩ, Những tay đua kiệt xuất, Người mẫu, Chuyện tình mùa đông... đã thu hút lượng khán giả đáng kể sau một thời gian ngán ngẩm với phim Hong Kong, Đài Loan. Bước đầu thành công, các đài truyền hình đua nhau trình chiếu phim Hàn Quốc, và ngày càng thu hút khán giả bởi những bộ phim giải trí đơn thuần. Nắm bắt được nhu cầu, các công ty quảng cáo đã "thu mua" nhiều bộ phim, lấy tài trợ từ các nhãn hàng, công ty muốn quảng cáo sản phẩm. Những bộ phim được tuyển chọn từ con số hàng trăm bộ phim được sản xuất hằng năm của Hàn Quốc, vì thế chất lượng cũng tương đối, với hàng loạt phim: Giày thủy tinh, Đam mê điện ảnh, Cơn lốc tình yêu...
Nối gót các phim truyền hình dài tập, từ năm 1999 các công ty phát hành phim cũng đua nhau nhập phim Hàn Quốc để chiếu ở các rạp như: Bức thư, Gió thổi khúc tình yêu... Cú "thắng" bất ngờ khi phim Yêu bằng cả trái tim thu về doanh thu hơn 4 tỉ đồng (năm 2001) khiến phim Hàn Quốc được chiếu trên hệ thống chiếu bóng công cộng ngày càng ồ ạt hơn: Cô nàng ngổ ngáo, Những tay đua kiệt xuất, Người tình tổng thống, Cổ điển...
Không thể so sánh phim Hàn Quốc với những bộ phim truyền hình hay tác phẩm điện ảnh Việt Nam, vì sự so sánh là khập khiễng khi công nghệ làm phim của Hàn Quốc hiện được sánh ngang hàng với các nước có ngành truyền hình phát triển. Ngoài kỹ thuật, công nghệ trường quay, nhìn chung phim Hàn Quốc được khán giả Việt Nam đón nhận vì nhiều yếu tố. Nội dung phim gần gũi với đời sống qua những câu chuyện thường ngày; biết khai thác yếu tố tâm lý của nhân vật, lời thoại tự nhiên, nhẹ nhàng với những câu chuyện như cổ tích, luôn hướng đến sự hoàn mỹ tuyệt đối. Mặt khác, tình yêu là hương vị không thể thiếu trong những bộ phim Hàn Quốc với những mối tình đẹp như mơ, lãng mạn, bối cảnh trữ tình... cùng với diễn viên trẻ đẹp, diễn xuất tài năng, ăn mặc thời trang.
99% phim Hàn Quốc khi phát sóng trên truyền hình đều được các công ty quảng cáo đại diện cho nhãn hàng tài trợ mua bản quyền phát sóng, với mục đích trao đổi quảng cáo sản phẩm thông qua việc tài trợ. Như thế, các đài truyền hình có phim phát sóng mà không tốn chi phí cho tiền bản quyền phim (thay vì nhà đài phải mua bản quyền phát sóng từ 500 đến 1.000 USD/tập phim 60 phút). Mặt khác, số lượng người xem phim Hàn Quốc và Trung Quốc vượt trội hơn phim các nước khác. Chính vì thế, tỷ lệ phát sóng phim Hàn Quốc trên truyền hình ngày một tăng tốc, vô tư "phủ sóng" khắp các kênh của đài truyền hình từ trung ương và địa phương. Các công ty quảng cáo thi nhau săn lùng phim có nội dung phục vụ cho ý đồ quảng cáo để tài trợ các đài truyền hình mà không quan tâm đến các vấn đề xã hội do phim ảnh tác động.
Sau một thời gian dài, phim Hàn Quốc công chiếu trên truyền hình với mật độ dày đặc đã gây ra "hiệu ứng" tiêu dùng từ phía khán giả như ăn mặc theo Hàn Quốc, trang điểm và nhuộm tóc kiểu Hàn Quốc... Khán giả đã thuộc lòng những mối tình tay ba - tay tư đầy ngang trái, mất mát, người tốt - kẻ ác, người tốt thì gặp nạn, kết cục phim với những tình tiết tai nạn, bệnh ung thư, thất lạc na ná như nhau làm người xem thất vọng.
Phim Hàn Quốc sẽ còn "chiếm sân" trên màn ảnh nhỏ Việt Nam đến bao giờ? Liệu rồi đây sẽ có cuộc đổi ngôi dành cho phim truyền hình Việt Nam khi những nhà làm phim truyền hình hiện đang dốc sức để sản xuất phim theo công nghệ mới?
(Theo Thanh Niên)