Từ đầu tháng 11, phim hài Tía ơi (đạo diễn Xuân Phước) công chiếu tại các cụm rạp lớn. Tiếp đó, vào mùa Tết 2014, phim Năm sau con lại về (đạo diễn - nghệ sĩ Nhân dân Trần Ngọc Giàu) và Hai Lúa (đạo diễn Lê Quang Hưng) cũng sẽ trình làng.
Điểm chung của các phim trên là đều đưa vào hình ảnh người nông dân, ông xe ôm, người đạp xích lô... cùng nhiều tình tiết vui tươi, gây cười trên màn ảnh rộng.
Điều khiến các nhà sản xuất - nhà phát hành tự tin đưa các phim có nội dung đơn giản, kỹ xảo, kỹ thuật còn chưa cao ra rạp lớn là do họ nắm bắt được tâm lý khán giả. Ở TP HCM và các tỉnh miền Nam, người xem rất chuộng lối hài bộc tuệch, tếu táo, kiểu hài tình huống.
Các phim hài bình dân hay hài kiểu miền Tây khai thác chi tiết về cuộc sống gia đình, quan hệ tình làng nghĩa xóm của giới bình dân, lao động nghèo, người nhà quê với bối cảnh nông thôn.
Những gì thân thương, gần gũi với đời sống thường nhật nhất khi lên phim càng dễ được đồng cảm. Trước đây, Hello Cô Ba của Phước Sang từng bị giới chuyên môn phản ứng và bị gắn mác là phim hài nhảm, phim "thảm họa". Nhưng sau khi ra rạp, phim này được công bố là thắng lớn về doanh thu. Điều đó cho thấy, bên cạnh những món ăn sang, vẫn có lượng lớn khán giả nhất định có nhu cầu thưởng thức các bộ phim có nội dung bình dân.
Khi đã chọn được nội dung hấp dẫn, các nhà làm phim khéo léo "chọn mặt gửi vàng" để tìm ra nghệ sĩ hóa thân xuất sắc, trọn vẹn nhất. Trong nhiều năm gần đây, ở thể loại hài bình dân, Hoài Linh là một bảo chứng cho sức hút cũng như doanh thu phim.
Dù Hoài Linh đã càn quét phim hài Tết nhiều năm, sức hút của anh vẫn chưa có dấu hiệu giảm sút. Khó ai có thể thay thế được danh hài hải ngoại khi thể hiện vai những người quê mùa, hai lúa.
Trước đây, Hoài Linh trong vai Tư Lặn của cũng tạo nên điểm sáng cho Hello Cô Ba. Vai Tiên Cảnh, một ông già lượm ve chai, của anh trong Nhà có năm nàng tiên cũng là một trong những nhân tố giúp phim này thắng lớn, đạt doanh thu 60 tỷ đồng. Mới đây, chính nhân vật ông Hai đạp xích lô nét mặt khổ khổ tội tội của nam diễn viên đã cứu phim Tía ơi... khỏi rơi vào nhàm chán với lối kể chuyện còn rề rà. Sắp tới, anh tiếp tục xuất hiện trong vai ông Sáu xe ôm ở phim Năm sau con lại về ra rạp mùa Tết 2014. Đây gần như đều là những vai được đạo diễn viết riêng cho nét diễn đặc trưng của nam diễn viên.
Ngoài ra, việc kéo các ngôi sao ở lĩnh vực khác vào phim hài bình dân được xem là một chiêu thức cho dạng phim này. Đó có thể là gương mặt mới toanh với điện ảnh nhưng đã nổi tiếng ở lĩnh vực khác của làng giải trí. Việc đưa họ vào phim kéo theo một lượng fan nhất định, những người tò mò muốn biết nghệ sĩ mình yêu thích diễn xuất ra sao. Nhà có năm nàng tiên sản xuất năm 2012 đã mời ca sĩ xinh đẹp Bảo Anh của Giọng hát Việt vào một vai.
Còn với Hai Lúa, bộ phim mới của đạo diễn Lê Quang Hưng, nhiều người chưa dám chắc về chất lượng phim, nhưng họ dám đảm bảo về độ hấp dẫn của dàn diễn viên. Ngoài những tên tuổi chuyên nghiệp, NSƯT Thanh Nam, Tấn Beo, Trấn Thành... đạo diễn đã mời Hoa hậu Thế giới người Việt Diễm Hương, Á hậu Phan Thị Mơ và "chị Bảy" Giọng hát Việt nhí 2013 Phương Mỹ Chi...
Sự hội ngộ của các gương mặt này không đồng nghĩa với chất lượng nội dung phim nhưng chắc chắn nó tạo được sức hút quảng bá phim khi chưa ra rạp.
Nhưng cũng rút kinh nghiệm từ Hello Cô Ba của Phước Sang, bị điểm trừ vì quá dễ dãi trong xây dựng tình tiết, nội dung sơ sài, các bộ phim hài bình dân sẽ khó ăn khách như kỳ vọng của nhà sản xuất nếu không chịu thay đổi, làm mới phong cách làm phim. Sự chăm chút trong cách xây dựng tình huống phim, liên kết các chi tiết và cách kể có tiết tấu điện ảnh hơn là điều cần thiết để các tác phẩm này gây dấu ấn.
"Tôi nhận thấy khán giả ngày càng kỹ lưỡng trong việc thưởng thức những tác phẩm điện ảnh. Khi xem họ đánh giá cao những bộ phim có nội dung hay, mang tính nhân văn sâu sắc và đan xen với những tình huống hài hước. Vì vậy những bộ phim dung dị, gần với cuộc sống đời thật sẽ dễ dàng đến với đông đảo khán giả hơn", Trần Ngọc Giàu nói.
Thoại Hà