Theo People, phim có hai phân đoạn gây tranh cãi khi nhân vật da trắng do John Michael Higgins đóng giả giọng Nhật Bản để trêu chọc cô vợ gốc Á của mình. MANAA - một tổ chức xã hội ở Los Angeles - chỉ trích những cảnh này thừa thãi, không đóng góp vào nội dung phim và mang tính phân biệt chủng tộc. "Licorice Pizza góp phần bình thường hóa việc chế giễu người gốc Á. Sự việc này càng nghiêm trọng trong bối cảnh làn sóng bạo lực gia tăng khi họ bị đổ lỗi là nguyên nhân lây lan Covid-19", tổ chức viết trên mạng xã hội.
Trong cuộc phỏng vấn với IndieWire hôm 22/2, đạo diễn phim - Paul Thomas Anderson - phản hồi những ồn ào: "Tôi thật sự không hiểu khi câu chuyện bị đẩy đến mức đó. Tôi không chắc họ cảm thấy vấn đề gì? Nhân vật trong phim là một tên ngốc và nói lung tung?". Giải thích thêm, Anderson thừa nhận có khả năng nhiều khán giả cảm thấy cảnh phim hài hước vì yếu tố định kiến sắc tộc. Tuy nhiên, ông khẳng định không có mục đích chế giễu người gốc Á.
Ở cuộc phỏng vấn với tờ New York Times cuối năm ngoái, đạo diễn Anderson cũng từng nhắc đến các cảnh liên quan đến người gốc Á: "Tôi nghĩ sẽ sai trái nếu kể câu chuyện phim theo góc nhìn ngày nay. Đồng thời, những hành động nhái giọng đó vẫn còn tồn tại đến bây giờ. Mẹ vợ tôi là người Nhật và cha vợ tôi là người da trắng. Nhiều người thường xuyên nói tiếng Anh theo giọng Nhật Bản với bà ấy. Tôi không nghĩ họ có ý xấu khi làm việc đó".
Trên mạng xã hội, nhiều khán giả ủng hộ quan điểm của Anderson. Một người bình luận dưới bài viết của tổ chức MANAA: "Việc xuất hiện nhân vật phân biệt chủng tộc (chiếm sóng khoảng hai đến ba phút), không có nghĩa bộ phim hay đạo diễn đó phân biệt chủng tộc".
Licorice Pizza xoay quanh mối tình của Gary (Cooper Hoffman đóng) và Alana (Alana Haim) trong thập niên 1970 ở Hollywood. Tác phẩm đề cao tính chân thực, lịch sử khi nhắc đến nhiều sự kiện chính trị - xã hội và nhân vật có thật. Tại Oscar 2022, tác phẩm nhận ba đề cử gồm phim, đạo diễn và kịch bản hay nhất.
Đạt Phan