Sau thành công của bộ phim Rurouni Kenshin trên toàn cầu vào năm 2012, Attack on Titan (Đại chiến Titan) là dự án điện ảnh tiếp theo của Nhật Bản được chuyển thể từ truyện tranh manga. Đây không phải là phim điện ảnh đầu tiên của bộ truyện tranh này. Trước đó, người xem đã biết đến phiên bản phim hoạt hình mang tên Shingeki No Kyojin ra mắt năm 2013. Phiên bản người đóng với kinh phí sản xuất 2,78 tỷ yên (khoảng 23 triệu USD) được đón đợi khi sức nóng của bộ manga đã lan tỏa khắp nơi.
Trailer phim "Attack on Titan" |
|
Phiên bản người đóng được chia làm hai phần. Ở phần đầu, khán giả chủ yếu được làm quen với các nhân vật cùng truyền thuyết về người Titan khổng lồ ăn thịt người. Nhân vật chính không còn xa lạ với các độc giả yêu thích truyện tranh là Eren Jaeger (Haruma Miura) và Mikasa Ackerman (Kiko Mizuhara). Eren và Mikasa lạc nhau trong một trận chiến khốc liệt với quái vật Titan. Họ gặp lại nhiều năm sau, khi mỗi người đã ở trong một địa vị khác.
Tình yêu thời trẻ tưởng như đã nguội tàn. Nhưng trên cùng chiến tuyến, hai người vẫn sát cánh bên nhau để thực hiện sứ mệnh duy nhất – bảo vệ nhân loại khỏi đám người khổng lồ Titan.
So với nguyên tác, phiên bản lần này của Attack on Titan đã sớm được dự báo sẽ có nhiều đổi khác. Những tiết lộ này được bật mí từ chính tác giả kịch bản phim – Tomohiro Machiyama. Theo ông, nhân vật Eren cần được xây dựng “đời” hơn, gần gũi hơn với những cảm xúc của một thiếu niên bình thường, biết sợ hãi, biết yếu đuối trước cái chết. Bên cạnh đó, nhân vật Mikasa sẽ đóng vai trò sâu hơn trong việc thúc đẩy cốt truyện, tạo thành người hỗ trợ quan trọng cho Eren. Điều này hẳn sẽ khiến các fan của manga vốn thần tượng anh hùng Eren có đôi chút thất vọng.
Tuy nhiên, nếu bỏ qua những so sánh, đối chiếu với nội dung của nguyên tác, khán giả sẽ có cơ hội tận hưởng những màn trình diễn kỹ xảo khá công phu và hoành tráng trong hơn 90 phút phim. Những trường đoạn dài của cuộc chiến căng thẳng, tạo hình gớm ghiếc nhưng cũng chân thực của quái vật Titan hay những cuộc càn quét tan hoang nhà cửa trong phim cho thấy điện ảnh Nhật Bản đang tiến gần đến phong cách làm phim đại chiến Hollywood.
Hình tượng những người khổng lồ Titan được xây dựng khá thành công trong phim. Trong một số trường đoạn, sự chủ động cùng biểu hiện tính cách rõ nét của nhóm nhân vật này còn có phần lấn át hẳn nhóm người hùng cứu thế ở phe chính diện. Những đặc tả khuôn miệng khâu vá chằng chịt, ánh mắt rực lửa sâu hút, bộ xương khô khốc của Tiatan khiến nhiều người liên tưởng đến những zombie. Bản chất khát máu, ăn thịt người như cỏ rác khiến các Titan thực sự mang đến một nỗi khiếp sợ. Phim có nhiều cảnh quay gây ám ảnh. Cảnh người khổng lồ nhấc tung nóc nhà, những bàn tay cầu cứu gào thét từ bên trong cánh cửa, máu chảy tràn trên nền đất là một trong những phân đoạn kể chuyện bằng hình ảnh khá ấn tượng.
Trong khi đó, các nhân vật anh hùng lại được xây dựng khá mờ nhạt, tính cách thiếu nhất quán. Nhân vật Eren mặc dù nằm trong dụng ý “đời thường hoá” của tác giả kịch bản nhưng không thể hiện được cả bản lĩnh lẫn những cảm xúc đời thường của một thiếu niên nhiều tham vọng. Phần lớn thời lượng phim, nhân vật này ở trong tâm thế bị động hoặc suy tư nhiều hơn hành động. Vì thế, pha “ghi điểm” ở cuối phim không đủ khiến Eren trở nên cao lớn hơn.
Trong tâm thế nhập nhằng đó, Haruma Miura (vai Eren) cũng không có nhiều đất để thể hiện điểm mạnh về diễn xuất. Bạn diễn của anh – Kiko Mizuhara (vai Mikasa) – một trong ba “thiên thần” của phiên bản điện ảnh Rừng Na Uy, có phần may mắn hơn khi được tác giả kịch bản xây dựng thành một nữ anh hùng với số phận bi kịch, nhiều ẩn ức, đòi hỏi diễn xuất về chiều sâu. Vẻ đẹp hồn nhiên, trong sáng của Midori trong Rừng Na Uy ngày nào giờ được thay bằng gương mặt lạnh lùng, kiêu hãnh. Kiko Mizuhara biến Mikasa trở thành nhân vật phức tạp, đáng nhớ nhất thuộc phe chính diện trong phim.
Mối quan hệ khá lỏng lẻo, rời rạc giữa các nhân vật là nhân tố chính khiến bộ phim hời hợt. Rất nhiều nhân vật với ngoại hình không mấy khác biệt xuất hiện ở những thời điểm khác nhau của cốt truyện, khiến khán giả chưa từng đọc qua truyện tranh bất ngờ.
Cảnh người đàn ông đứng ôm Mikasa từ phía sau, đưa cho cô trái táo cắn dở là một trong những cảnh khó hiểu từ khi trailer phim được tung ra. Đối với người chưa từng đọc truyện, sự xuất hiện của người đàn ông lạ mặt này là một câu hỏi. Với những ai đã đọc truyện thì hành động đưa quả táo cho Mikasa của người đàn ông này lại là một màn bày tỏ tình cảm kỳ cục trong phim.
Nhìn chung Attack on Titan ghi điểm trên phương diện kỹ xảo hình ảnh và tạo hình nhân vật. Nhưng về tổng thể, bộ phim sẽ khó thuyết phục được các fan của truyện tranh cũng như những khán giả từng yêu thích các phim về đề tài đại chiến hay giải cứu thế giới của Hollywood.
Attack on Titan (Đại chiến Titan) khởi chiếu tại Việt Nam từ hôm 4/9.
Anh Mai