Trong phim, bức ảnh thờ nhân vật Út Trong xuất hiện vài giây ở phân cảnh nhân vật ông Tư Lành (Hoài Linh) buồn bã nhìn hình người vợ quá cố trong ngày giỗ của bà. Bức hình còn được quay cận nhiều lần ở cảnh các nhân vật khóc trước di ảnh.
Sau khi phim ra rạp ngày 24/3, nhiều khán giả chia sẻ trên trang cá nhân việc họ thấy bức ảnh thờ nhân vật Út Trong trông quen thuộc nhưng chưa nhớ rõ là ai. Ngày 29/3, khán giả Bùi An đăng bài viết trên trang cá nhân về việc đoàn phim đã dùng ảnh chân dung bà Tống Mỹ Linh - vợ của ông Tưởng Giới Thạch - để đưa vào phim. "Bộ phận thiết kế, bối cảnh đã dùng hình từ internet, photoshop chỉnh sửa lại khuôn miệng mà có thể không biết đó là vợ Tưởng Giới Thạch...", khán giả Bùi An nêu ý kiến của anh.
* Phân cảnh trong "Dạ cổ hoài lang" dùng ảnh vợ Tưởng Giới Thạch
Điểm khác biệt giữa hai bức hình là khuôn miệng của bà Tống Mỹ Linh có nét tươi cười, còn nhân vật Út Trong nghiêm nghị. Những chi tiết khác như khuôn mặt, tóc, vóc dáng, trang phục được êkíp giữ lại.
Trả lời VnExpress, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho biết hai ngày qua anh được nhiều khán giả phản ánh về vụ việc. Anh kể ban đầu khi chuẩn bị bức ảnh thờ trong phim, tổ chế tác không muốn dùng hình người thật hay hình ảnh của bất kỳ ai. Vì vậy, đạo diễn yêu cầu thiết kế dùng hình diễn viên của phim và xử lý photoshop sao cho ra hình thờ xưa vì thường ảnh thờ cũng dùng kiểu lấy ảnh vẽ lại.
Khi bị phát hiện bức ảnh được cho là giống với chân dung bà Tống Mỹ Linh, Nguyễn Quang Dũng đã gửi hình ảnh đến nhóm thiết kế để hỏi rõ sự việc.
"Họ đã trả lời rằng họ dùng hình mặt diễn viên áp vào một khung ảnh thờ mà họ tìm được trên mạng. Tôi và tổ thiết kế thật sự không có ý gì cả, thực ra tôi cũng chưa thấy hình của bà Tống Mỹ Linh. Tôi nghĩ không một người Việt Nam nào cố ý trong trường hợp này. Tôi xin lỗi vì sự việc thiếu sót của êkíp", Nguyễn Quang Dũng cho biết.
Bà Tống Mỹ Linh là một trong những người phụ nữ nổi tiếng nhất tại Trung Quốc trong thế kỷ 20. Trong số sáu chị em nhà họ Tống, nổi tiếng nhất là ba nhân vật: Tống Khánh Linh, Tống Mỹ Linh và Tống Ái Linh. Chị hai Tống Khánh Linh lập gia đình với nhà cách mạng Tôn Trung Sơn. Về sau bà trở thành Phó chủ tịch Trung Quốc và qua đời năm 1981.
Tưởng Giới Thạch và Tống Mỹ Linh được coi là một trong những đôi vợ chồng nổi tiếng nhất trong lịch sử thế giới. Họ tổ chức lễ cưới năm 1927, một thời gian ngắn sau ngày họ Tưởng giành quyền lãnh đạo Quốc dân đảng.
Tống Mỹ Linh cùng chồng là Tưởng Giới Thạch từ Đại lục Trung Quốc chạy qua Đài Loan năm 1949. Sau khi ông Tưởng Giới Thạch mất năm 1975, bà đã chuyển sang Mỹ và sống đến khi qua đời năm 2003.
Phim Dạ cổ hoài lang khởi quay cuối năm 2015, quy tụ dàn diễn viên như: Nghệ sĩ Ưu tú Hoài Linh, Chí Tài, Nghệ sĩ Ưu tú Thanh Hoàng, Đình Hiếu, Will, Trish Le... Phim dựa trên vở kịch nổi tiếng do Thanh Hoàng viết kịch bản với hơn 1.000 suất diễn, kể về nỗi lòng những người Việt xa xứ vẫn nặng lòng với quê hương.
Tam Kỳ