Phim Diên Hy công lược đang gây sốt màn ảnh Hoa ngữ vì nội dung giàu kịch tính, phục trang, bối cảnh đẹp cùng diễn xuất của dàn diễn viên Nhiếp Viễn, Tần Lam, Đàm Trác, Ngô Cẩn Ngôn, Xa Thi Mạn... Trên các diễn đàn, nhiều khán giả khen ngợi cặp Càn Long (Nhiếp Viễn đóng) - hoàng hậu Phú Sát (Tần Lam) đẹp đôi, lãng mạn, tạo cảm xúc ngọt ngào trong bộ phim cung đấu.
Trong phim, Càn Long yêu chiều, nâng niu hoàng hậu hết mực. Các món ngon vật lạ đều dành cho nàng. Vua còn nể trọng Phú Sát, luôn giữ thể diện cho vợ cả trước mặt các phi tần. Những hình ảnh vua nắm tay, dí tay lên mũi hoàng hậu được nhiều khán giả chia sẻ trên Weibo. Mới đây, diễn viên Tần Lam đăng trên trang cá nhân đoạn video học giả Trương Hoành Kiệt giảng về mối tình trong đời thực của Càn Long - Phú Sát hoàng hậu, thu hút quan tâm của khán giả. Câu chuyện tình trong lịch sử này lọt vào top chủ đề được tìm kiếm nhiều nhất trên Weibo.
* Vua tặng cây vải cho hoàng hậu trong "Diên Hy công lược"
Đời Thanh quy định thê tử của vua gồm tám cấp bậc gồm hoàng hậu, hoàng quý phi, quý phi, phi, tần, quý nhân, thường tại, đáp ứng. Thời gian tại vị của Càn Long (1711-1799) dài, ông có tổng cộng 41 bà vợ, trong đó có ba đời hoàng hậu. Nguyên mẫu của nhân vật trong Diên Hy công lược là hoàng hậu Hiếu Hiền Thuần (1712-1748), thuộc dòng họ Phú Sát. 17 tuổi, Càn Long cưới tiểu thư kém mình một tuổi. Nàng không đẹp nghiêng nước nghiêng thành nhưng dáng dấp đoan trang, khéo cư xử, tính tình ôn hòa, lối sống giản dị và tiết kiệm. Nàng được phong hoàng hậu năm 26 tuổi. Hai người gắn bó 20 năm, có bốn người con, gồm hai hoàng tử và hai công chúa. Nhưng hai hoàng tử đều mất khi còn thơ ấu.
Hoàng hậu Phú Sát quản lý hậu cung nghiêm túc, giúp vua yên tâm việc triều chính. Khi vua gặp phiền muộn, hoàng hậu có thể cảm nhận được và chia sẻ với ông, giúp vua bớt căng thẳng. "Càn Long là người đàn ông tính cách phức tạp. Người phụ nữ ông cần không những dịu dàng, biết nghe lời mà còn phải am hiểu, có chiều sâu như ông. Hoàng hậu Phú Sát là người như thế", Trương Hoành Kiệt nhận định.
Cuốn Thanh sử cảo ghi chép lại một lần Càn Long bị mọc nhọt trên người, ngự y dặn vua phải thay thuốc đều đặn trong 100 ngày. Hoàng hậu Phú Sát lo cung nữ làm nhà vua đau, hàng ngày tự thay thuốc cho chồng, cho tới khi nhà vua bình phục. Điểm thể hiện rõ nét đức hạnh của hoàng hậu nằm ở cách đối xử của bà với thái hậu. Thái hậu xuất thân thấp hèn (vốn là một nha đầu) còn hoàng hậu xuất thân danh giá. Hoàng hậu đối xử với thái hậu như mẹ đẻ, chăm sóc tận tình, một mực lễ phép. Nàng tự tay phục vụ mẹ chồng, không để cung nữ làm. Khi thái hậu bệnh, hoàng hậu cũng ở cạnh chăm sóc. Vì thế, người trên kẻ dưới trong cung đều khâm phục. Đức hạnh của hoàng hậu khiến không ai trong cung có thể thay thế vị trí của bà trong lòng Càn Long.
Năm 1748, hoàng hậu đi tuần cùng vua và các cận thần. Trên đường ngồi thuyền về kinh, bà qua đời. Có nhiều tranh cãi về cái chết của hoàng hậu Phú Sát. Một số chuyên gia cho rằng bà đau buồn vì mất hai con, trầm cảm nên thể chất yếu dẫn tới đau ốm, chết sớm. Một số nghiên cứu khác lại chỉ ra bà mất do lỡ chân rơi xuống nước.
Theo bài giảng Thành bại luận Càn Long của học giả Trương Hoành Kiệt trên đài CCTV, Càn Long không nguôi thương nhớ hoàng hậu. Chiếc thuyền hoàng hậu ngồi trước khi qua đời được nhà vua ra lệnh đưa về Bắc Kinh. Khi nghe yêu cầu đó, các đại thần hoảng hốt vì chiếc thuyền to và nặng. Sau đó, vài nghìn người được điều động để kéo thuyền về Bắc Kinh. Nhà vua ra lệnh mọi đồ vật trong cung Trường Xuân - nơi ở của hoàng hậu Phú Sát - phải được giữ nguyên.
Trong nửa năm đầu sau khi hoàng hậu mất, vua ngủ không yên giấc, hay tỉnh dậy nửa đêm. Thái giám thân cận của Càn Long phát hiện tinh thần của ông bất thường sau cái chết của vợ. Khi tới bàn làm việc, ông thường quên mất mình ngồi vào bàn để làm gì. Trí nhớ của vua giảm sút, lời nói vừa dứt, ông đã quên mất mình vừa nói gì. Nhà vua còn nóng tính hơn, hay nổi giận.
Trong quãng thời gian đó, Càn Long làm rất nhiều thơ. Ông là thi nhân có nhiều tác phẩm nhất trong lịch sử Trung Quốc - với hơn 40 nghìn bài. Trong số bốn vạn bài thơ đó có khoảng 100 bài được đánh giá cao vì chân thành và xúc động - đó là những bài thơ tưởng nhớ hoàng hậu Phú Sát. Nhà vua làm thơ khi nhìn căn phòng cũ, quần áo cũ của vợ. Tỉnh dậy sau giấc mơ về vợ, Càn Long cũng viết lại những gì thấy trong mơ.
Kỳ lai bất cáo khứ vô từ
Lưỡng tự bình an báo ngã tri
Chỉ hữu đinh đinh tư thánh mẫu
Cánh giáo cố phục tích chư nhi
Tỉnh khán lệ vũ do triêm chẩm
Tĩnh giác bi phong tác phất duy
Tự tích tuệ hiền tăng nhập mộng
Thượng dư úy giả đáo kim thùy?
Bài thơ nói về một lần hoàng hậu hiện về trong giấc mơ của Càn Long, báo mộng rằng bà sống bình an ở thế giới khác, mong hoàng thượng đừng lo lắng. Nhưng ở đó, hoàng hậu lo lắng cho mẹ già, trẻ nhỏ trong cung. Nói xong, hoàng hậu đi mất. Nhà vua tỉnh dậy, nước mắt ướt đẫm gối. "Bài thơ giản dị, chất phác. Lời thơ không giống của người làm chủ ba nghìn người đàn bà ở hậu cung mà giống của một người chồng bình thường dành cho vợ mình", học giả Trương Hoành Kiệt nhận định.
Trong một bài thơ khác, nhà vua thổ lộ sau 17 năm ông vẫn không muốn quay lại nơi hoàng hậu qua đời vì sợ nỗi đau trỗi dậy. Mỗi năm tới giỗ hoàng hậu, Càn Long đều tới cung Trường Xuân tưởng niệm, một mình ngồi trầm ngâm thời gian dài. Ông giữ thói quen đó cho tới khi thoái vị. Hậu cung không thể thiếu chủ. Dưới sự thúc giục của thái hậu, Càn Long lập hoàng hậu mới nhưng không dành cho bà tình cảm sâu nặng.