10 ngày sau khi công chiếu, bộ phim The Martian (Người về từ Sao Hoả) đang dẫn đầu trên bảng xếp hạng doanh thu với 108,5 triệu USD chỉ tính riêng tại Mỹ, theo thống kê của BoxOffice đến ngày 11/10. Chỉ trước đó vài ngày, Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) khẳng định tìm thấy bằng chứng chắc chắn về nước chảy trên Sao Hoả.
Cả hai sự kiện đều là những tin tức tốt lành cho kế hoạch đổ bộ lên hành tinh đỏ của NASA. Đây vốn là một trong những dự án dài hạn nhất của cơ quan này, mà theo kế hoạch sẽ không có bất kỳ phi hành gia nào được đưa tới Sao Hỏa trước năm 2035, hoặc thậm chí là nhiều thập kỷ sau đó.
Thách thức của NASA là làm sao để vừa duy trì sự quan tâm của công chúng, lại vừa có thể giảm thiểu kinh phí của dự án kéo dài ít nhất một phần tư thế kỷ. Với ngân sách hằng năm 18 tỷ USD, cơ quan này phải san sẻ cho nhiều dự án. Riêng chương trình "Hành trình tới sao Hỏa" nhận được chưa tới 500 triệu USD. Do vậy, rất khó để NASA chi thêm tiền cho mục tiêu này, nếu không hy sinh nhiều dự án đáng giá khác.
Cách giải quyết là dùng chiêu bài truyền thông, nhờ việc tham gia phát triển và quảng bá cho bộ phim "The Martian". Ngày 28/9, NASA tổ chức họp báo công bố về việc đã tìm thấy bằng chứng về nước lỏng chảy trên bề mặt sao Hỏa với chủ đề "Bí mật sao Hỏa được hé lộ". Cơ quan này cho biết thông báo này không hề liên quan tới bộ phim The Martian và đó chỉ là sự trùng hợp. Song với sự quan tâm của công chúng, việc nhắc đến tên bộ phim, vốn ít gây chú ý với thể loại viễn tưởng, khiến hiệu ứng quảng bá trở nên rõ rệt hơn.
Về chuyên môn, NASA tham gia The Martian với tư cách cố vấn kỹ thuật, tuyển diễn viên, nhà sản xuất và chuyên viên thiết kế ngay tại phòng thí nghiệm Jet Propulsion ở Pasadena (California). Cơ quan này cũng sẽ tổ chức chiếu phim cho nhân viên tại nhiều nơi hay mời các ngôi sao trong phim tới trụ sở tại Houston (Texas) và Mũi Canaveral (Florida) để tham dự các sự kiện liên quan.
Thậm chí, NASA còn cho phép diễn viên Mackenzie Davis và Sebastian Stan tham gia cuộc nói chuyện qua video với hai thành viên của phi hành đoàn trên Trạm vũ trụ Quốc tế (ISS), đồng thời thiết lập kênh thảo luận "Bạn muốn là một Martian" qua video giữa các quan chức của mình và hai diễn viên để trả lời câu hỏi của gần 10.000 sinh viên.
"Tôi nghĩ họ (NASA) sẽ rất hài lòng với bộ phim này bởi nó ngày càng lấy được nhiều sự quan tâm từ cộng đồng. Mục đích duy nhất của tôi khi viết tiểu thuyết này là giải trí, chứ không phải là để quảng bá cho NASA", Andy Weir - kỹ sư phần mềm, đồng thời là tác giả của cuốn tiểu thuyết được chuyển thể thành bộ phim cho biết.
Trong phim, tài tử Matt Damon đóng vai phi hành gia Mark Watney bị mắc kẹt trên sao Hỏa sau một cơn bão. "Chuyến du hành tới sao Hỏa sẽ mãi mãi thay đổi những cuốn sách lịch sử của chúng ta, viết lại những gì chúng ta từng biết về hành tinh đỏ này và mở rộng sự tồn tại của con người trong Hệ mặt trời", Damon nói trong đoạn video quảng bá cho bộ phim mới.
Trước đó, những bộ phim được tài trợ "khủng" với sự tham gia cố vấn của NASA, như Gravity, Interstellar, hay Europa Report... đã giúp đưa hoạt động khám phá vũ trụ của con người trở thành một văn hóa phổ biến. Tuy nhiên, với The Martian - được cho là sự mô phỏng gần như thực tế nhất về hoạt động tiếp cận sao Hỏa và cách tồn tại trong bầu khí quyển của hành tinh đỏ, NASA lại trở thành nhân vật trung tâm của cả bộ phim.
"Bộ phim này gắn chặt với NASA cả về câu chuyện lẫn nhân vật", ông Weir cho biết. Theo ông, những phát hiện khoa học mang tính đột phá như cho rằng tồn tại nước trên sao Hỏa và sự quan tâm của cộng đồng theo sau đang đóng vai trò quan trọng giúp cơ quan này huy động được nhiều nguồn vốn hơn.
Đây cũng là lý do tại sao Hollywood đề xuất ra những chiêu bài quảng bá như vậy, ngay cả khi chỉ có ảnh hưởng trong ngắn hạn. "Sao Hỏa là một dự án dài hạn và thật khó để có thể khiến cộng đồng liên tục sục sôi về nó", cựu Phó giám đốc NASA - ông Lori Garver nói.
Kim Dung (theo Bloomberg)