Câu chuyện trên được nhà tâm lý Nguyễn Thị Hằng Phương, Trung tâm Nghiên cứu Tâm lý trẻ em NT Nguyễn Khắc Viện (Hà Nội), kể lại trong hội thảo Tính tự chủ của học sinh trong thời đại đa truyền thông tổ chức gần đây. Theo chị, đây không còn là trường hợp cá biệt trong xã hội ngày nay.
Qua trò chuyện với cán bộ và học sinh ở các trường Giáo dưỡng (số 3, 4 và 5), chị nhận thấy nhiều em khi đưa vào các trường đều có một hoặc nhiều hành vi trộm cắp, đánh đập người khác, thậm chí cưỡng hiếp, giết người.
Thường xuyên chứng kiến những cảnh bạo lực trong phim, game có thể khiến trẻ trở nên hung hăng. Ảnh: Worldpress. |
Có nhiều nguyên nhân khác có thể dẫn đến hành vi bạo lực ở học sinh, như sự thiếu quan tâm của gia đình, nhà trường chưa quan tâm đến giáo dục đạo đức, kỹ năng sống. Trong đó, đặc biệt phải kể tác động đến phim, truyện tranh, game bạo lực... Chúng ảnh hưởng đến cảm xúc của người xem, khiến họ có những hành vi, cách ứng xử thờ ơ, lạnh lùng, chị Hằng Phương cho biết.
Một nghiên cứu của Bỉ vào năm 1972 cũng đã chỉ ra rằng một nhóm trẻ được xem chương trình có bạo lực sẽ dẫn tới những hành vi tương tự như trên phim.
Cụ thể, sau khi cho chúng xem phim bạo lực rồi cùng cho vào một phòng lớn, những trẻ vừa xem phim bạo lực có hành vi mạnh mẽ, lấn át các trẻ khác, so với những trẻ không xem. Chúng có xu hướng tái tạo lại hình ảnh mà chúng quan sát được trong phim khi chơi với bạn. Thậm chí có những trẻ nhút nhát nhưng sau khi xem phim thì hành vi gây hấn còn mạnh mẽ hơn những trẻ năng động.
"Điều này cho thấy, thái độ và cách cư xử của trẻ gần như chịu ảnh hưởng hoàn toàn từ những gì chúng nhìn thấy. Hơn nữa, các em chưa có kinh nghiệm để phân biệt được đâu là thật, đâu là ảo tưởng như người lớn, nên các em sẽ bắt chước nhanh hơn và những gì nhìn thấy được vô tình trở thành hành vi quen thuộc", chị Hằng Phương nói.
Nhiều nghiên cứu khác trên thế giới cũng cho thấy, việc xem bạo lực kéo dài còn làm con người trơ lỳ với bạo lực. Nó bóp méo nhận thức của con người về thế giới thực tế và tạo ra những suy nghĩ gây hấn. Ở nhiều đứa trẻ, cảm giác về sự đau đớn giảm đi sau khi chúng xem phim có cảnh bạo lực, chém giết.
Ngược lại, theo chuyên gia, một số em khi tiếp xúc với nhiều hình ảnh bạo lực lại gây cho các em cảm giác thế giới không hề an toàn. Bất cứ khi nào ra đường cũng phải cảnh giác và những điều nho nhỏ cũng có thể là mối họa, vì thế cần phản ứng trước để phòng trừ. Cũng có thể vì thế mà nhiều vụ án mạng xảy ra đôi khi chỉ vì cảm giác “bị nhìn đểu”.
Sự tác động của game bạo lực với trẻ cũng tương tự như phim bạo lực. Những trò chơi này phần lớn dạy người ta cách bắn, giết, cướp, đốt nhà, triệt hạ đối thủ. Người chơi được trải nghiệm cảm giác làm hại người khác, phá hủy đồ vật… và cả cảm giác về sự chiến thắng, mãn nguyện. Đến khi họ buộc phải dừng lại cuộc chơi thì cảm giác, ấn tượng về trò chơi vẫn còn và nhiều lúc họ không kiểm soát được hành vi của mình khi trở lại với cuộc sống thực, chị Hằng Phương cho biết.
Cũng vì thế, theo các chuyên gia, cần có những biện pháp hữu hiệu để giảm thiểu những ảnh hưởng của các phim hay game bạo lực.
Ngoài ra, cần có những chương trình đào tạo về giá trị sống cho trẻ và thanh thiếu niên, để chính các em là người quản lý mình trước khi người khác quản lý. Đồng thời, cần có những chương trình tư vấn hỗ trợ cho các bậc phụ huynh về cách ứng xử với con, về những tác động của xã hội đến sự phát triển của trẻ, để từ đó họ có thể giúp con vượt qua những cám dỗ của cuộc sống.
Phương Trang
* Tên nhân vật đã được thay đổi.