Tác phẩm do Nguyễn Quang Tuyến đạo diễn và biên kịch, quy tụ dàn diễn viên Nhật Kim Anh, Xuân Phúc, Quang Hòa, Đông Dương. Kịch bản được anh phóng tác từ hai truyện ngắn Tân Cảng và X-Men có mùi trường đua của Nguyễn Thị Thu Huệ. Cạm bẫy - Hơi thở của quỷ gây bàn tán khi là phim Việt Nam đầu tiên dán nhãn C18 (cấm người dưới 18 tuổi) trong năm 2018.
Câu chuyện bắt đầu với gia đình của nhân vật chính Hoa (Nhật Kim Anh) - một nữ doanh nhân có hai con, mắc bệnh đãng trí, được người chồng tên Tùng (Đông Dương) cho uống thuốc hàng ngày. Trong một lần đi xem đua chó ở Vũng Tàu, Hoa bị băng của Hải đen (Xuân Phúc) bắt giữ rồi tra khảo, cưỡng hiếp dã man bởi cho rằng cô lấy trộm một món đồ của hắn.
* "Cạm bẫy - Hơi thở của quỷ" có nhiều cảnh dữ dội
Ngỡ rằng Hoa đã chết, chúng ném cô ra bờ biển. Cô gái tình cờ được Tuấn chó (Quang Hòa) - người chủ trường đua đồng thời là kẻ thù của Hải đen - phát hiện và cứu sống. Do không nhớ chuyện cũ, Hoa sống với một danh tính mới bên cạnh Tuấn. Trong khi đó, một cô gái giống hệt Hoa đến ở cùng Tùng, thay thế nhiệm vụ làm vợ, làm mẹ của cô.
Chỉ sau mười phút đầu, khán giả đã có hàng loạt câu hỏi, như mối liên hệ của hai cô gái giống hệt nhau là gì, vật mà Hải đen bị đánh cắp là gì, hay nguồn gốc mối thù giữa hắn và Tuấn chó ra sao? Trong quá trình quảng bá, nhà phát hành nhắc nhiều đến yếu tố tâm thần phân liệt. Tuy nhiên, chủ đề này không thể hiện rõ trong tác phẩm. Thay vào đó, phim đi theo mô-típ kịch tính, tráo đổi thân phận nhiều hơn.
Trong trạng thái nửa tỉnh nửa u mê, nhân vật Hoa bị giằng xé giữa hai dòng tư tưởng. Cô bị Tuấn chó thuyết phục về thân phận mới, nhưng thỉnh thoảng lại nhớ về cuộc sống cũ. Trong khi đó, cô gái thế chỗ Hoa có tính cách đối lập với cô - ngang tàng và ăn nói đốp chát - gây nhiều sóng gió trong gia đình. Ở hồi ba, tình tiết bất ngờ được cài cắm để giải quyết câu chuyện, đồng thời xoay chuyển trọng tâm các nhân vật.
Với nhãn 18+, phim không thiếu các cảnh nhạy cảm về tình dục và bạo lực. Hơn mười phút đầu, phim dành cho trường đoạn Hoa bị nhóm Hải đen truy đuổi rồi đánh đập, tra khảo. Cảnh cô bị cưỡng hiếp tập thể chỉ được mô tả gián tiếp, nhưng cũng đủ thể hiện sự khốc liệt. Trong phần cuối phim, những cảnh chiến đấu, vật lộn diễn ra tương đối dữ dội, máu me so với mặt bằng phim Việt chiếu rạp. Các pha hành động cũng là điểm đáng khen của phim, nhất là màn đấu tay đổi giữa hai nhân vật nam trên nóc nhà.
Tuy nhiên, cách kể dài dòng, nhiều cảnh thừa khiến tác phẩm không có sự chặt chẽ cần có của một nội dung kịch tính. Phần giữa phim khá lê thê với các cuộc nói chuyện qua lại, giằng co của các nhân vật. Ở cuối phim, một vài cảnh hồi tưởng được chen vào - đôi khi kết hợp với những bài hát nhạc phim khá lạc tông - dễ kéo khán giả ra khỏi mạch truyện. Khâu dựng phim không thật chỉn chu với nhiều chuyển cảnh lưng chừng. Trong khi một cú chuyển đột ngột ở gần cuối phim - từ cảnh máu me sang êm đềm - dễ làm tụt cảm xúc.
Hồi ba của phim đi vào những đè nén, ẩn ức trong tâm lý con người. Sự hạn chế trong kịch bản và khả năng diễn xuất của diễn viên khiến những mô tả về góc khuất tăm tối của nhân vật chưa đủ chiều sâu. Không được hỗ trợ bởi tình huống và biểu cảm cần thiết, một số câu thoại triết lý của phim phản tác dụng.
Nhật Kim Anh có nhiều nỗ lực khi thủ hai vai có tính cách đối lập, đồng thời phải đóng nhiều cảnh nặng. Theo nữ diễn viên, cảnh cô bị treo ngược đầu xuống là phần quay thêm, được thực hiện sau khi cô bị tai biến phải nhập viện trong chuyến lưu diễn ở Mỹ hồi tháng 8/2017. Lối diễn bằng ánh mắt của Nhật Kim Anh - lúc van nài, lúc ve vãn đàn ông - khá tròn trịa. thể hiện rõ sự khác biệt của hai người với tính cách khác biệt. Khâu phục trang cũng hỗ trợ tốt cho cô về mặt tạo hình. Tuy nhiên, một vài cảnh của nữ diễn viên hơi quá sướt mướt.
Ba diễn viên nam đều đóng tốt các cảnh hành động, nhưng chênh nhau về diễn xuất. Đông Dương khá nhất, Xuân Phúc có ngoại hình phù hợp nhưng hơi gồng mình, còn Quang Hòa yếu về biểu cảm. Trong phim, nhân vật của Quang Hòa cũng do Hữu Vi lồng tiếng, bởi đài từ của anh không tốt.
Ân Nguyễn