Theo Nikkei Asia Review, cơ quan chống độc quyền của Philippines đã yêu cầu Grab và Uber dừng sáp nhập trong khi cơ quan này xem xét lại hợp đồng. Một động thái tương tự cũng vừa diễn ra tại Singapore.
Grab và Uber đã lên kế hoạch tích hợp hai dịch vụ gọi xe này vào ngày hôm nay (8/4). Tuy nhiên, trong một tuyên bố đưa ra ngày hôm qua (7/4), Ủy ban cạnh tranh của Philippines cho biết hai đơn vị trên phải giữ hoạt động tách biệt và không tiến xa hơn để hoàn tất sáp nhập.
Theo ủy ban này, ứng dụng của Uber vẫn có thể tiếp tục được sử dụng trong quá trình xem xét, có thể mất tới 195 ngày tùy thuộc vào kết quả của cơ quan quản lý. Dù vậy, tuyên bố trực tiếp từ Ủy ban cạnh tranh Philippines không nhắc đến thời hạn cụ thể hoàn tất việc xem xét.
Yêu cầu của Ủy ban cạnh tranh Philippines đã bác bỏ lập luận của Grab rằng các biện pháp tạm thời này không cần thiết. Trong tuyên bố đưa ra, Grab cho biết có nhiều lựa chọn trên thị trường vận chuyển hành khách và các đối thủ cạnh tranh mới có thể tham gia hoạt động tại Philippines. Uber, về phần mình, cho biết đã rời khỏi khu vực và thiếu nhân lực, cũng như nguồn lực hoạt động.
"Uber đang nhấn mạnh về sự ra đi, nhưng điều mà đơn vị này không nhắc đến là số cổ phần đổi lại trong Grab. Uber không thực sự thoát khỏi thị trường Philippines, thay vào đó thỏa thuận này khiến Uber trở thành chủ sở hữu của Grab và hai đơn vị này thực sự đã kết hợp các hoạt động tại đây", ông Arsenio Blisacan, Chủ tịch Ủy ban cạnh tranh Philippines cho biết.
Trước đó, Ủy ban cạnh tranh và Tiêu dùng Singapore hôm thứ Sáu (6/4) cũng cho biết Grab và Uber đã đồng ý hoãn việc sáp nhập các ứng dụng gọi xe của hai đơn vị này trong vòng 7 ngày, cho đến 15/4.
Ủy ban này đã yêu cầu Grab và Uber duy trì các điều kiện trước khi giao dịch, chẳng hạn như các lựa chọn giá cả và dịch vụ độc lập cũng như không thực hiện bất kỳ hành động nào liên quan tới sáp nhập doanh nghiệp ở Singapore cho đến khi hoàn thành việc xem xét vấn đề. Người phát ngôn của Grab khi đó đã trả lời Nikkei rằng việc sáp nhập tại các thị trường khác sẽ được tiến hành theo kế hoạch.
Tại thị trường Việt Nam, 8/4 cũng là thời hạn cho việc sáp nhập hai ứng dụng gọi xe của Grab và Uber, tuy nhiên đến sáng nay ứng dụng đặt xe của Uber vẫn còn hoạt động.
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đầu tháng 4 cũng đã có văn bản yêu cầu Grab báo cáo quá trình sáp nhập với Uber tại thị trường Việt Nam. Theo văn bản trả lời của Grab, thị phần kết hợp của Grab và Uber trên thị trường liên quan tại Việt Nam được xác định thấp hơn 30%. Do đó, phía Grab cho rằng các bên tham gia giao dịch "không phải thông báo cho cơ quan quản lý cạnh tranh trước khi tiến hành và hoàn tất giao dịch tại Việt Nam".
Tuy nhiên, những căn cứ cụ thể để chứng minh về thị phần trên thị trường liên quan của Grab và Uber tại Việt Nam lại không được công ty này cung cấp đầy đủ cho cơ quan quản lý cạnh tranh.
Trả lời VnExpress trước đó, ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho hay, không loại trừ khả năng cơ quan quản lý sẽ áp dụng biện pháp tạm thời với Grab, Uber sau khi xem xét đầy đủ báo cáo về hợp đồng mua bán này. Ông cũng khẳng định: "Chắc chắn quyền lợi của tài xế, người tiêu dùng sẽ được đảm bảo theo pháp luật cạnh tranh".
Theo quy định tại Luật Cạnh tranh 2004, những trường hợp mua bán - sáp nhập (M&A) có ảnh hưởng lớn đến mức độ cạnh tranh của thị trường sẽ bị hạn chế. Nếu thị phần sau khi Grab mua Uber trên 30%, doanh nghiệp phải gửi báo cáo đến cơ quan cạnh tranh về vụ mua bán. Trường hợp thị phần sau sáp nhập trên 50%, việc này sẽ thuộc diện bị hạn chế, trừ trường hợp miễn trừ mới được phép tiến hành.
Minh Sơn