"Nếu một cường quốc như Mỹ nói 'chúng tôi không quan tâm', có thể sẽ không có điều gì phanh lại được tham vọng của các nước khác", ông Aquino nói trước khán giả là các lãnh đạo doanh nghiệp ở Tokyo, Nhật.
"Tôi nhớ đến cách Đức thăm dò phản ứng và xem cách các cường quốc châu Âu khác phản ứng thế nào", ông nói, đề cập đến cuộc xâm chiếm lãnh thổ của phát xít trong những tháng trước khi Thế chiến II nổ ra".
"Họ thăm dò và sẵn sàng lùi bước, nếu một nước, chẳng hạn như Pháp, yêu cầu", AFP dẫn lời ông Aquino cho biết. "Nhưng thật không may, cho đến vụ sáp nhập Sudetenland của Tiệp Khắc, không ai yêu cầu dừng lại. Nếu ai đó yêu cầu Hitler dừng vào thời điểm đó, hoặc yêu cầu Đức dừng, chúng ta đã có thể tránh được Thế chiến II".
Lãnh đạo Philippines cho rằng hoạt động bồi đắp của Trung Quốc ở Biển Đông vi phạm một thỏa thuận quốc tế, và kêu gọi Bắc Kinh cân nhắc lại các dự án này. "Có lẽ họ cần xem xét lại tất cả các nỗ lực (bồi đắp) và xem liệu điều này có cần thiết hay không, khi căng thẳng đang gia tăng", Tổng thống Aquino nói.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc sửng sốt trước tuyên bố "xúc phạm và vô lý" của ông Aquino, tương tự một bài phát biểu ông từng đưa ra hồi năm ngoái.
"Một lần nữa, tôi cảnh báo một cách nghiêm túc một số người ở Philippines, yêu cầu họ đặt những ảo tưởng sang một bên và tỏ ra ăn năn, ngừng khiêu khích và xúi giục, trở về con đường đúng đắn là dùng các kênh song phương để thảo luận và giải quyết tranh chấp này", bà Hoa Xuân Doanh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói.
Trung Quốc và Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2002 ký Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông, nhằm ngăn hoạt động xâm chiếm các đá, bãi cạn trên biển, và việc xây các cấu trúc mới làm phức tạp tranh chấp.
Trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Nhật của ông Aquino, Tokyo và Manila có thể sẽ đồng ý bắt đầu thảo luận về khuôn khổ của việc chuyển giao thiết bị và công nghệ quốc phòng, động thái mới nhất của Thủ tướng Shinzo Abe nhằm tăng cường quan hệ với các nước châu Á, trước tham vọng hàng hải của Trung Quốc.
Nhật, nước năm ngoái nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu vũ khí, đã có những thỏa thuận tương tự với Mỹ, Anh, Australia và Pháp.
Trọng Giáp