Các công trình xây dựng đã phá hủy hơn 1.200 m2 san hô, gây thiệt hại kinh tế thường niên ước tính 100 triệu USD cho các quốc gia ven biển, AFP dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose cho biết hôm qua. Diện tích san hô bị hư hại tương đương ba lần diện tích của Vatican.
Ông Jose lên án các hoạt động cải tạo quy mô lớn của Trung Quốc đang gây ra thiệt hại rộng khắp và không thể phục hồi cho sự đa dạng sinh học và cân bằng sinh thái ở Biển Đông.
Ông cũng cáo buộc Trung Quốc làm ngơ trước việc ngư dân nước này sử dụng biện pháp đánh bắt gây hại đến môi trường ở bãi cạn Scarborough/ Hoàng Nham. Đây là một ngư trường dồi dào mà Trung Quốc giành quyền kiểm soát từ năm 2012, dù cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền.
Bắc Kinh gần đây đẩy mạnh bồi đắp tại 7 bãi đá trên Biển Đông. Các hình ảnh vệ tinh được Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế tại Mỹ công bố tuần trước cho thấy hàng loạt tàu Trung Quốc đang nạo vét cát ở đá Vành Khăn, một rạn san hô thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Các hình ảnh cho thấy tốc độ cải tạo quy mô lớn của Trung Quốc, đe dọa đến tuyên bố chủ quyền của các nước nhỏ hơn, ông Jose nói.
Ông chỉ trích lời biện bạch của người đồng cấp Trung Quốc Hoa Xuân Doanh rằng hoạt động cải tạo đất nhằm phục vụ các nhu cầu quân sự và quốc phòng. "Những phát ngôn như thế của Trung Quốc chỉ càng gây ra ám ảnh về gia tăng quân sự hóa và đe dọa đến hòa bình cũng như ổn định trong khu vực", ông nói.
"Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc ngừng các hoạt động cải tạo và lưu tâm tới trách nhiệm của mình trên vai trò là một nước tuyên bố chủ quyền và một thành viên quan trọng của cộng đồng quốc tế", ông Jose nói, khẳng định Philippines xem tuyên bố của Trung Quốc với hầu hết diện tích Biển Đông là bất hợp pháp.
Manila đã đệ đơn kiện Bắc Kinh lên tòa án trọng tài quốc tế. Tuy nhiên, Bắc Kinh từ chối tham gia vụ kiện và tuyên bố chỉ giải quyết tranh chấp song phương, giữa các nước có liên quan trực tiếp.
Anh Ngọc