Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 45. Ảnh: AFP |
"Khi một nước lớn muốn gây áp lực, hăm dọa, hai lòng và đe dọa sử dụng vũ lực, gây tổn hại đến quyền chủ quyền và quyền tài phán của Philippines thì cộng đồng quốc tế cần quan tâm đến việc này", AFP dẫn một tài liệu chính thức cho biết lời ông Albert del Rosario phát biểu trong cuộc họp.
Ngoại trưởng Philippines nhắc đến căng thẳng kéo dài hàng tháng nay giữa các tàu của Trung Quốc và Philippines xung quanh bãi cạn không người Scarborough/ Hoàng Nham mà cả Bắc Kinh và Manila cùng tuyên bố chủ quyền.
Ông del Rosario nói Bắc Kinh ngày càng thể hiện thái độ quả quyết đối với các tuyên bố chủ quyền ở khu vực kể cả nơi có hay không có tranh chấp trên Biển Đông và là "mối đe dọa cho hòa bình và ổn định" cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
"Nếu không được kiểm soát, những căng thẳng này sẽ leo thang thành những cuộc chiến mà không nước nào mong muốn", Ngoại trưởng Philippines phát biểu trong diễn đàn của khu vực ASEAN, nơi có sự hiện diện của cả Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì và Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton.
Philippines rất nỗ lực thúc đẩy Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á thống nhất và đi đến thỏa thuận với Trung Quốc về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) nhằm ngăn chặn những xung đột có thể xảy ra trên biển.
Mỹ cũng ủng hộ việc thông qua Bộ quy tắc mà theo các nhà phân tích là giải pháp hữu hiệu để xóa tanbất đồng và làm dịu những căng thẳng trong vùng biển có vị trí quan trọng và được đánh giá có trữ lượng tài nguyên lớn của khu vực trong thời gian qua.
Ngoại trưởng Mỹ Clinton hôm qua phát biểu kêu gọi các quốc gia trong khu vực nên giải quyết các tranh chấp chủ quyền một cách mềm mỏng, "không ép buộc, không có sự hăm dọa, không có những đe dọa và không sử dụng vũ lực".
Hồi đầu tuần, nước chủ nhà Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 45, Campuchia, cho biết các nước đã đạt được những điểm quan trọng trong nội dung của dự thảo COC, tiến tới bước thảo luận với Trung Quốc. ASEAN cho biết sẽ sử dụng các biện pháp trong khuôn khổ luật pháp quốc tế bao gồm Công ước quốc tế về Luật biển để làm cơ sở cho các tranh chấp.
Tuy nhiên, Bắc Kinh muốn giải quyết tranh chấp với từng quốc gia riêng lẻ. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc nói COC không nên cố gắng giải quyết toàn bộ các tranh chấp trên biển giữa Trung Quốc và sẽ thảo luận với ASEAN về văn bản này để xây dựng lòng tin giữa các nước, khi các điều kiện đã "chín muồi".
Căng thẳng gia tăng trong thời gian gần đây khi Philippines và Việt Nam phản đối những hành động của Trung Quốc trong khu vực. Vụ chạm mặt tại bãi cạn không người Scarborough/Hoàng Nham giữa Philippines với Trung Quốc đã kéo dài ba tháng nay. Tháng trước, Việt Nam cũng phản đối quyết định của Trung Quốc mời thầu tại các lô dầu khí trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Vũ Hà