"Đội ngũ pháp lý của chúng tôi đang xem xét. Nếu nhận được phán quyết có lợi về vấn đề thẩm quyền, đây sẽ là bước tiếp theo chúng tôi sẽ làm. Nhưng nó vẫn đang được nghiên cứu", Phil Star dẫn lời Bộ trưởng Tư pháp Philippines Leila de Lima cho biết trong cuộc phỏng vấn hôm 11/7.
Phó chánh án Tòa án Tối cao Philippines Antonio Carpio là người đưa ra đề xuất này. Ông trích dẫn Điều 290 của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Theo đó, nếu một tranh chấp được đệ trình lên tòa án có thẩm quyền xét xử, tòa án có thể đưa ra những biện pháp tạm thời phù hợp với hoàn cảnh để bảo vệ quyền riêng của các bên liên quan hoặc ngăn ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, cho đến khi có phán quyết cuối cùng.
Phái đoàn Philippines tham gia vụ kiện gồm Luật sư trưởng Florin Hilbay cùng các luật sư nước ngoài, do Paul Reichler, thuộc công ty luật Foley Hoag của Mỹ, dẫn đầu. Bà De Lima cho biết phái đoàn phải tập trung vào tranh luận về vấn đề thẩm quyền trước Tòa Trọng tài Quốc tế trong phiên điều trần thứ hai tổ chức hôm nay tại The Hague, Hà Lan.
"Chúng tôi trước tiên phải vượt qua vấn đề thẩm quyền của tòa", bà De Lima nói. "Điều cần có là một chiến thuật pháp lý tốt".
Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền với hầu hết Biển Đông dựa trên bản đồ "đường lưỡi bò" hay "đường 9 đoạn" nước này tự đưa ra. "Đường lưỡi bò" đi sát vào bờ của các nước láng giềng như Philippines, Việt Nam, Brunei và Malaysia.
Philippines đã đệ đơn kiện lên tòa án Liên Hợp Quốc từ tháng 1/2013 nhằm khẳng định tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh là vô giá trị và trái với luật pháp quốc tế. Tòa Trọng tài Quốc tế hôm 7/7 mở phiên tranh tụng đầu tiên, bắt đầu xem xét vụ kiện của Philippines và yêu cầu Manila điều trần lần hai vào hôm nay trước khi ra quyết định về thẩm quyền xét xử.
Trung Quốc từ chối tham gia vụ kiện, đòi giải quyết tranh chấp theo hướng song phương và tuyên bố không chấp nhận phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực. Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn đẩy mạnh "vận động hành lang" để giành lợi thế nhất định.
Như Tâm