"Cuối cùng chúng ta đã đạt được điều bị trì hoãn quá lâu, một cách thức hiệu quả để quản lý thẻ SIM nhằm hạn chế tin nhắn rác và cuộc gọi lừa đảo", Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos phát biểu hôm nay, khi ký đạo luật đầu tiên từ khi ông lên nắm quyền hồi tháng 6.
Đạo luật do Tổng thống Marcos ký duyệt yêu cầu người dùng di động Philippines khai báo thông tin cá nhân khi mua thẻ SIM. Dự luật về vấn đề này đã được quốc hội Philippines thông qua hồi tháng 9, sau khi bỏ một điều khoản gây tranh cãi, yêu cầu người dùng mạng xã hội phải đăng ký tên thật và số điện thoại.
Cựu tổng thống Philippines Rodrigo Duterte từng bác bỏ đạo luật này, khi các nhà phê bình chỉ trích điều khoản yêu cầu người dùng đăng ký tên thật và số điện thoại trên mạng xã hội là hình thức "giám sát" của chính phủ.
Philippines là một trong những nước có số người sử dụng mạng xã hội nhiều nhất thế giới. Quốc gia này cũng trở thành điểm nóng của các hoạt động tung thông tin tức sai lệch và lừa đảo trực tuyến.
Người dùng điện thoại di động ở Philippines thường mua thẻ SIM trả trước tại các cửa hàng mà không cần khai thông tin cá nhân. Theo luật mới, họ sẽ phải xuất trình giấy tờ tùy thân có ảnh và kê khai thông tin cá nhân cho bên cung cấp dịch vụ.
Đạo luật mới sẽ lập tức có hiệu lực và được áp dụng với hàng chục triệu thuê bao di động tại Philippines. Người dùng có nguy cơ bị nhà mạng ngắt kết nối nếu không cung cấp thông tin cá nhân trong khoảng thời gian được quy định.
Chính phủ Philippines hy vọng đạo luật mới sẽ hỗ trợ các cơ quan thực thi pháp luật chống lại tin nhắn rác và lừa đảo qua điện thoại.
Hầu hết các nước trên thế giới đều yêu cầu người dùng di động đăng ký thông tin cá nhân khi mua thẻ SIM, song một số quốc gia, trong đó có Mỹ và Anh, không yêu cầu điều này.
Cơ quan giám sát Privacy International, có trụ sở tại Anh, cho rằng việc đăng ký thông tin cá nhân cho thuê bao di động "không hiệu quả" trong việc giảm tình trạng tội phạm ở một số nước.
Ngọc Ánh (Theo AFP)