"Đó là một địa điểm rất chiến lược vì nó quay mặt ra Biển Đông", AP dẫn lời ông Voltaire Gazmin nói hôm qua.
Bộ trưởng Gazmin tiết lộ kế hoạch mở lại các căn cứ không quân và hải quân tại vịnh Subic sẽ giúp các chiến đấu cơ và tàu khu trục loại nhỏ của Philippines có thể phản ứng nhanh hơn với diễn biến bất ngờ ở các vùng biển có tranh chấp.
Philippines năm ngoái ký một hiệp định cho phép các lực lượng Mỹ đóng tạm thời tại các căn cứ, bao gồm cả ở Subic, tuy nhiên các nhóm thuộc phe cánh tả đặt nghi vấn về tính hợp hiến của thoả thuận trước tòa án tối cao.
Theo ông Gazmin, chính phủ Philippines sẽ sớm bắt đầu việc xây dựng các căn cứ kể cả nếu tòa án ra phán quyết cuối cùng, không cho phép lực lượng Mỹ tiếp cận khu vực này.
Ông Roberto Garcia, Quản lý vịnh Subic, cho biết không quân Philipines sẽ xây dựng một căn cứ với 200 quân nhân đóng tại khu phức hợp sân bay của cảng, nơi vẫn mở cửa cho các máy bay thương mại. Hải quân nước này sẽ được phép dùng ít nhất hai trong số 15 bến tàu và cầu tàu, vẫn dùng cho mục đích dân sự. Một khu phức hợp hải quân cũng sẽ được xây dựng.
Các hoạt động quân sự chỉ được ưu tiên trong những trường hợp khẩn cấp của quốc gia và nếu các lực lượng Mỹ được phép tiếp cận các căn cứ của Phillippines, khu vực quân sự sẽ được mở rộng hơn, theo ông Garcia.
Người quản lý này đánh giá vị trí của quân đội gần khu vực Biển Đông, nơi Philippines có tranh chấp với Trung Quốc, sẽ mang tính cốt yếu với việc bảo vệ lãnh thổ. Ngư dân Philippines từng bị Trung Quốc xua đuổi ra khỏi bãi cạn mà họ đã đánh bắt nhiều thập kỷ.
"Đó là một mối nguy, đó là lý do vì sao người Mỹ cần có sự hiện diện tích cực ở đây. Người dân chúng tôi đang phải đối phó với vòi rồng và họ không thể đánh cá và kiếm sống", Garcia nói.
Ước tính chi phí sửa chữa và nâng cấp căn cứ quân sự ở Subic bằng một nửa chi phí xây dựng một căn cứ không quân mới do khu phức hợp này đã có đường băng và các cơ sở hạ tầng đạt tiêu chuẩn quốc tế, AP dẫn tài liệu quốc phòng của Philippines.
Dự kiến cuối năm nay Philippines tiếp nhận chiến đấu cơ đầu tiên, trong số 12 chiếc mua của Hàn Quốc, và đặt tại căn cứ Subic.
Vịnh Subic nằm cách thủ đô Manila khoảng 80 km về phía tây bắc, từng được dùng làm căn cứ hải quân lớn nhất của Washington bên ngoài lãnh thổ Mỹ cho tới khi đóng cửa năm 1992, chấm dứt sự hiện diện của quân đội nước này gần một thế kỷ. Ba năm sau, Trung Quốc chiếm giữ một đá chiến lược mà Philippines cũng tuyên bố sở hữu, khiến các nghị sĩ Philippines thông qua một hiệp định cho phép các lượng Mỹ trở lại để thực hiện các cuộc tập trận hàng năm.
Khánh Lynh