Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Philippines (SEC) hôm nay xác nhận đã "thu hồi giấy chứng nhận thành lập" của báo Rappler do vi phạm "quy định trong hiến pháp và pháp luật về quyền sở hữu nước ngoài trong lĩnh vực thông tin đại chúng".
Rappler cho hay quyết định này "xác nhận công ty phải đóng cửa" và tuyên bố sẽ kháng cáo vì quy trình "rất bất thường". Quyết định được đưa ra một ngày trước khi Tổng thống Rodrigo Duterte mãn nhiệm.
"Chúng tôi đã thảo luận mọi kịch bản có thể xảy ra với nhân viên của Rapplers từ khi SEC ban hành mệnh lệnh đầu tiên năm 2018", Glenda Gloria, tổng biên tập kiêm đồng sáng lập trang báo cùng Maria Ressa, người đoạt giải Nobel hòa bình năm 2021, nói.
"Chúng tôi vẫn tiếp tục làm việc như bình thường", bà Ressa nói, thêm rằng tờ báo "chỉ có thể hy vọng vào điều tốt đẹp nhất" khi người kế nhiệm ông Duterte, tân Tổng thống Ferdinan Marcos nhậm chức.
Tờ báo đã phải chiến đấu để tồn tại khi chính quyền Tổng thống Duterte cáo buộc họ vi phạm quy định hiến pháp về quyền sở hữu của người nước ngoài cũng như trốn thuế. Tờ báo cũng bị cáo buộc tội phỉ báng trên mạng theo luật hình sự ban hành năm 2012, năm mà Rappler thành lập.
Ông Duterte đã công khai chỉ trích Rappler, gọi đây là "trang tin giả". Trong khi đó, tờ báo liên tục chỉ trích ông Duterte và cuộc chiến chống ma túy mà ông phát động năm 2016.
Rappler bị cáo buộc cho phép người nước ngoài kiểm soát thông qua ban hành "chứng chỉ lưu ký" của công ty mẹ Rappler Holdings. Theo hiến pháp, chỉ người Philippines hoặc thực thể do người Philippines kiểm soát mới được phép đầu tư vào lĩnh vực truyền thông ở nước này.
Rắc rối bắt đầu từ khoản đầu tư cho Rappler năm 2015 của Omidyar Network, công ty có trụ sở tại Mỹ do nhà sáng lập eBay Pierre Omidyar thành lập. Omidyar sau đó đã chuyển khoản đầu tư vào Rappler cho các nhà quản lý địa phương, trong nỗ lực ngăn chặn chính quyền ông Duterte đóng cửa tờ báo.
Bà Ressa, người mang hai quốc tịch Philippines và Mỹ, cùng nhà báo người Nga Dimtry Muratov được trao giải Nobel Hòa bình hồi tháng 10 năm ngoái vì những nỗ lực "bảo vệ quyền tự do ngôn luận".
Bà đang đối mặt ít nhất 7 phiên tòa, trong đó có phiên kháng cáo tội phỉ báng trên mạng mà Ressa đang được tại ngoại và có nguy cơ ngồi tù 6 năm. Trung tâm Nhà báo Quốc tế (ICJ) đã kêu gọi chính phủ Philippines đảo ngược quyết định đóng cửa Rappler.
Hồng Hạnh (Theo AFP)