Ulugan nằm ở bờ biển phía tây của đảo lớn Palawan, chỉ cách một nhóm đảo nhỏ thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam 160 km. Tổng thống Benigno Aquino tháng trước tuyên bố đây là vị trí tiền tiêu trong hoạt động bảo vệ chủ quyền của Philippines ở vùng biển này.
Philippines gần đây bày tỏ lo ngại trước những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang nỗ lực khai hoang ở các bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa. Bắc Kinh được cho là sắp xây dựng một đảo nhân tạo cùng căn cứ quân sự hiện đại ở đây để tăng cường sức mạnh trên Biển Đông. Trung Quốc chiếm các bãi này của Việt Nam từ năm 1988 và Philippines cũng tuyên bố chủ quyền ở đây.
Lo ngại trước những hành vi ngày càng hung hăng của Bắc Kinh, Manila tìm đến Mỹ, một đồng minh lâu năm, với hy vọng củng cố được lực lượng vũ trang lạc hậu bằng những khóa huấn luyện và vũ khí mới.
Hồi tháng 4, khi Tổng thống Barack Obama thăm Manila, hai nước đã ký kết một hiệp ước an ninh mới cho phép Mỹ hiện diện quân sự mạnh mẽ hơn trên đất Philippines, bao gồm cả những căn cứ được mở rộng.
Vịnh Ulugan hiện nay chỉ có một căn cứ hải quân nhỏ làm trung tâm chỉ huy cho đơn vị quân sự chịu trách nhiệm bảo vệ vùng biển xung quanh. Có một bến tàu nằm ở ngay "tài sản giá trị nhất" của Ulugan, đó là vịnh nhỏ hơn mang tên Oyster. Oyster là một ngư trường dồi dào giúp duy trì cuộc sống cho 1.700 cư dân của ngôi làng Macarascas gần đó.
Để nâng cấp cho Ulugan, một bến tàu, hải cảng lớn hơn cùng các cơ sở hạ tầng hỗ trợ đang được Philippines xây dựng. Nơi đây dự kiến sẽ trở thành căn cứ cho các tàu lớn nhất của hải quân nước này, trong đó có hai tàu khu trục cũ mà Manila mua lại từ Mỹ năm 2011.
Tổng thống Aquino cho hay việc nâng cấp căn cứ ở vịnh Ulugan sẽ giúp hải quân Philippines theo dõi các tàu bằng radar và giám sát biển qua hệ thống vệ tinh. Xa hơn, căn cứ này sẽ mở ra khả năng khảo sát và bảo vệ những vùng biển mà Philippines tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông.
Tuy nhiên, Philippines hiện mới chỉ chi 500 triệu peso (11,4 triệu USD) cho việc cải tạo Ulugan. Các nhà phân tích nhận định quốc đảo vẫn còn một khoảng cách rất xa mới có đủ khả năng đối phó với Trung Quốc. Bắc Kinh năm ngoái chi gần 120 tỷ USD cho quân sự.
"Tôi hy vọng chiến lược này sẽ cho phép hải quân Philippines thực hiện các nhiệm vụ phòng thủ trong giới hạn bằng các tàu nhỏ", ông Roilo Golez, cựu cố vấn an ninh quốc gia Philippines.
Tuy nhiên, việc tăng cường binh sĩ và khí tài của Mỹ, cũng như khoản tiền viện trợ của Washington cho Manila để mở rộng căn cứ, có thể là yếu tố làm thay đổi cuộc chơi. Theo thỏa thuận quốc phòng được ký kết giữa hai nước đồng minh hồi tháng 4, Mỹ sẽ có quyền tiếp cận 5 căn cứ quân sự của Philippines, xây dựng cơ sở hạ tầng và luân chuyển hàng nghìn binh sĩ. Thỏa thuận cũng cho phép Mỹ triển khai thêm máy bay, tàu chiến và trang thiết bị đến các căn cứ.
Manila đã công khai đề nghị Washington tái hiện diện ở vịnh Subic, nơi từng là một căn cứ hải quân Mỹ và cũng hướng ra Biển Đông. Hiện vẫn chưa rõ vịnh Ulugan có được sử dụng hay không. Danh sách 5 căn cứ được chọn dự kiến được công bố nhanh nhất là vào tháng 10 tới.
Tuy nhiên, có nhiều dấu hiệu cho thấy vịnh Ulugan sẽ góp mặt, bởi nó chỉ nằm cách thủ đô Manila hơn 500 km về phía tây nam và gần với quần đảo Trường Sa hơn cả Subic. Cư dân làng Macarascas cũng cho hay, quân đội Mỹ đã xây một phòng tập thể lực, một tòa nhà đa chức năng và một cơ sở trữ nước ở đây.
Tư lệnh quân đội Philippines, tướng Emmanuel Bautista, tháng trước cho rằng, quân đội Mỹ nên được phép sử dụng vịnh Oyster và giúp nâng cấp căn cứ này.
"Có thể nhờ thỏa thuận quốc phòng với Mỹ, việc cải tạo Oyster sẽ được đẩy nhanh", ông nói.
Anh Ngọc (theo AFP)