Trả lời tờ Daily Inquirer, Bộ trưởng Truyền thông Philippines Herminio Coloma Jr. hôm qua nói điều này chứng minh việc Manila ủng hộ giải quyết tranh chấp hàng hải một cách hòa bình "đang nhận được sự tin tưởng và sự ủng hộ".
"Nếu một nước khác ngoài Philippines đem vấn đề đó ra tòa án, nó sẽ mở rộng căn cứ cho những người tin tưởng và tuân thủ luật pháp cũng như quan điểm giải quyết tranh chấp một cách hòa bình", ông Coloma nói.
Trong cuộc phỏng vấn với báo giới quốc tế tuần trước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết Việt Nam đang cân nhắc các phương án để bảo vệ mình, kể cả phương án đấu tranh pháp lý, theo luật pháp quốc tế.
Thủ tướng đưa ra tuyên bố sau khi Trung Quốc triển khai trái phép giàn khoan 981 và đưa nhiều tàu hộ tống xâm phạm sâu vào vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải tại Biển Đông.
Bình luận về khả năng Việt Nam kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế, Đại sứ Philippines tại Việt Nam Jerril G. Santos cho rằng quyết định kiện ra trọng tài là quyền lợi của tất cả những nước tham gia ký kết Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982, nhằm giải quyết tranh chấp lãnh hải hoặc để làm rõ các quyền lợi hàng hải theo quy định công ước. "Việt Nam có quyền sử dụng lựa chọn này vì là nước đã ký UNCLOS", ông Santos nói khi trả lời phỏng vấn của VnExpress.
Đại sứ Philippines nói thêm rằng quy trình kiện theo UNCLOS được công nhận là một biện pháp hòa bình để giải quyết các tranh chấp.
Chuyên gia về Biển Đông Carl Thayer nhận xét rằng nếu tòa án quốc tế phán quyết có lợi cho Philippines trong vụ kiện của nước này, Việt Nam cũng có thể hưởng lợi.
Philippines hôm 30/3 nộp bản ghi nhớ tại Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS), đề nghị phán quyết về tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với hầu hết vùng Biển Đông. Manila cho rằng lập trường của Trung Quốc là bất hợp pháp theo UNCLOS, và điều đó xâm phạm vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Philippines trên Biển Đông.
Trọng Giáp