Sơ đồ ưa thích và nhân sự
Sven-Goran Eriksson mới dẫn dắt tuyển Philippines cách đây hơn một tháng, từ ngày 27/10. Quỹ thời gian dành cho HLV người Thụy Điển là quá ít ỏi, do đó, việc ông thiếu thông tin về chính những học trò là điều có thể hiểu được. Đó cũng là lý do Philippines vừa đá vừa điều chỉnh, nhất là về mặt nhân sự.
Sự điều chỉnh ấy thể hiện rõ qua vị trí của Stephan Schrock. Trong trận ra quân gặp Singapore, cầu thủ 32 tuổi sinh ở Đức này xuất phát ở vị trí tiền đạo. Nhưng chỉ sau hơn 20 phút, anh được chuyển sang chơi như một tiền vệ trái. Tới trận đấu với Thái Lan, anh đá trọn 90 phút ở vị trí... tiền vệ phải.
Một ví dụ khác là Daisuke Sato. Cầu thủ đang chơi ở Romania vốn là hậu vệ trái, đá trận gặp Singapore cũng ở vị trí sở trường. Nhưng sang trận gặp Thái Lan, khi HLV Eriksson nhìn ra khả năng tấn công của anh, Sato được đẩy lên đá tiền vệ trái. Nhưng, tới trận cuối cùng của vòng bảng với Indonesia, Sato trở lại vai trò hậu vệ trái. Còn Schrock được giao vị trí tiền vệ trái.
Tuy nhiên, dù nhân sự liên tục xáo trộn, Philippines lại rất trung thành với sơ đồ 4-4-2. Trong cả bốn trận ở vòng bảng, họ đều xuất phát với sơ đồ này. Trục dọc của sơ đồ đó cũng gần như không đổi, với bộ đôi trung vệ là Martinez de Murga và Alvaro Silva, cặp tiền vệ trung tâm là Strauss và Manuel Ott, và tiền đạo Phil Younghusband - người mang băng đội trưởng.
Có thể thấy rõ nhất sơ đồ 4-4-2 của Philippines khi họ phòng ngự. Cả khi bóng đang ở trên phần sân của đối phương cũng như về phần sân mà họ quản lý.
Trong bóng đá, 4-4-2 được xem như sơ đồ dễ triển khai nhất. Đó là một trong những sơ đồ cơ bản nhất của bóng đá, và mọi cầu thủ đều được học để chơi trong sơ đồ này ở một thời điểm nào đó trong sự nghiệp. Thế nên, triển khai sơ đồ 4-4-2 sẽ không đòi hỏi quá nhiều thời gian, cũng như quá nhiều những mảng miếng đặc biệt - những điều quá xa xỉ với một HLV chỉ có vài ngày nắm đội trước khi vào giải như Eriksson.
Về lý thuyết, sơ đồ 4-4-2 đảm bảo được sự chắc chắn. Những đội bóng chơi phòng ngự phản công đều lựa chọn chiến thuật này, và thu được những thành công nhất định. Atletico Madrid của Diego Simeone và Leicester City của Claudio Ranieri là những điển hình. Nhiều đội bóng không xuất phát với sơ đồ 4-4-2, nhưng khi phòng ngự cũng chọn 4-4-2, vì hệ thống đó giúp bảo vệ khu vực trung lộ tốt hơn, nhờ duy trì cự ly giữa các tuyến và các vị trí dễ dàng hơn. Nếu được vận hành tốt, các đội phòng ngự với 4-4-2 sẽ tạo được một khối đội hình rất chặt. Đối phương, nếu muốn tìm khoảng trống, phải đưa bóng ra biên, khu vực được xem là ít nguy hiểm hơn.
Phòng ngự với mid-block
Philippines chọn sơ đồ 4-4-2 đề cao tính an toàn và được dẫn dắt bởi Eriksson - HLV từng vô địch Serie A và biến tuyển Anh thành một trong những đội tuyển chơi nhàm chán nhất. Thực tế, cả vòng bảng năm nay Philippines cũng chỉ ghi được năm bàn, mà ba trong số đó là vào lưới Timor Leste - đội yếu nhất giải. Nhưng, Philippines không hề chơi thứ bóng đá phòng ngự tiêu cực.
Tại AFF Cup 2018, tập thể dưới trướng HLV Eriksson là một trong những đội có thời lượng kiểm soát bóng nhiều nhất. Trừ trận đấu cuối cùng trên sân Indonesia, là trận đấu mà Philippines chỉ cần hòa là chắc suất vào vòng knock-out, đội bóng của Eriksson luôn vượt trội về tỷ lệ kiểm soát bóng. Tỷ lệ này ở trận gặp Singapore là 62%. Trận gặp Timor-Leste là 67%. Và trận gặp Thái Lan là 60%.
Không chỉ cầm bóng "cho vui", sự vượt trội về thế trận được Philippines chuyển hóa tốt thành sự vượt trội về số cơ hội tạo ra. Trước Singapore, họ dứt điểm 9 lần, so với 5 của đối thủ. Sang trận gặp Timor Leste, chênh lệch về số lần dứt điểm là 12-9, vẫn nghiêng về Philippines. Thái Lan cũng chỉ sút được 4 lần, so với 12 của Philippines. Ngay cả trận gặp Indonesia dù cầm bóng kém hơn, Philippines vẫn là đội sút nhiều hơn (6 so với 4).
"Bí quyết" có lẽ nằm ở một từ: mid-block. Trong bóng đá, chiều dài sân thường được chia thành ba phần: phần 1/3 sân tấn công, phần 1/3 ở giữa, và phần 1/3 phòng ngự. Tùy thuộc vào khu vực mà đội phòng ngự chủ trương tạo ra nhiều sức ép nhất, ta có các "block" khác nhau. High-block, hay high press, là gây sức ép ngay trên phần 1/3 sân phòng ngự của đối phương - điều mà những đội bóng của Pep Guardiola thường làm. Low-block là để cho đối phương tới gần vòng 16m50 rồi mới gây sức ép - cách phòng ngự Jose Mourinho thường sử dụng. Giữa hai thái cực đó là mid-block.
Mid-block cũng là lựa chọn của HLV Eriksson. Trong các trận đấu ở vòng bảng vừa qua, các cầu thủ Philippines thường để cho đối phương thoải mái phối hợp trên phần sân của họ. Tuy nhiên, ngay khi bóng được đưa tới gần vòng tròn giữa sân, sức ép sẽ lập tức tăng mạnh. Các cầu thủ Philippines thường pressing rất quyết liệt. Hai "tín hiệu" pressing phổ biến là khi bóng được đưa ra biên và khi một tiền vệ của đối phương nhận bóng trong thế xoay lưng sau một đường chuyền từ các hậu vệ.
Ở trường hợp đầu tiên, khi bóng được đưa ra biên, hậu vệ biên của Philippines sẽ lập tức rời khỏi hệ thống phòng ngự để gây sức ép một cách quyết liệt. Tiền vệ biên cũng nhanh chóng áp sát, tạo thành một gọng kềm ép chặt cầu thủ nhận bóng của đối phương, lúc này đã ở vào thế "tựa lưng" vào đường biên dọc. Cầu thủ đối phương khi đó chỉ có hai lựa chọn, hoặc là chuyền về, hoặc mất bóng.
Ở tình huống trên, hậu vệ phải của Philippines đã băng qua một quãng đường khá dài để gây sức ép với cầu thủ sắp nhận bóng ở biên của Thái Lan. Cùng lúc, tiền vệ phải Schrock cũng ép vào. Cầu thủ của Thái Lan luống cuống để mất bóng. Tới lúc này, một trong những ưu thế của 4-4-2 đã được phát huy: luôn có hai cầu thủ ở trung lộ để sẵn sàng cho các pha phản công.
Trong tình huống ngay sau đó, một tiền đạo của Philippines di chuyển rất nhanh lên phía trên để "ghim" các hậu vệ của Thái Lan, đồng thời sẵn sàng nhận một cú chọc khe hay chuyền vượt tuyến. Tiền đạo còn lại sẽ dẫn bóng lên rồi chuyền xuống biên cho Schrock, người đã chuyển trạng thái rất nhanh và không bị ai theo kèm. Tình huống này kết thúc với một cú căng ngang nguy hiểm của Schrock mà Sato suýt ghi được bàn thắng.
Một "tín hiệu" pressing khác của Philippines là khi tiền vệ trung tâm của đối phương phải nhận bóng trong tư thế không thoải mái, thường là xoay lưng với khung thành của Philippines.
Lúc này, thì người chủ động gây sức ép sẽ là một tiền vệ trung tâm. Hỗ trợ cho anh ta vẫn là tiền vệ biên. Do không thể quan sát được phía sau, cầu thủ nhận bóng của đối phương thường chỉ có lựa chọn chuyền trả lại cho các hậu vệ. Nếu anh ta cố giữ thì sẽ bị cướp bóng.
Ngay cả Thái Lan cũng khổ sở với cách chơi này của Philippines. Khi hai đội gặp nhau ở vòng bảng, Thái Lan chẳng những không có nhiều pha triển khai bóng đáng chú ý qua các tiền vệ trung tâm, mà còn không ít lần để mất bóng ở giữa sân, tạo cơ hội Philippines tổ chức được các pha tấn công nguy hiểm.
Tấn công biên bất đối xứng
Bàn gỡ hòa 1-1 của Philippines ở trận đấu với Thái Lan được ghi từ một pha tấn công trung lộ. Nhưng thực tế thì những miếng đánh chủ đạo của Philippines lại diễn ra ở hai biên. Và trong cách tấn công biên của họ, đáng chú ý là sự chênh lệch về số lượng nhân sự được sử dụng ở từng cánh. Theo ngôn ngữ của các HLV, thì ở một cánh họ cố gắng overload (tạo ra tình huống nhiều đánh ít), và ở cánh còn lại là isolate (tạo ra tình huống một đánh một giữa tiền vệ biên của mình với hậu vệ biên của đối thủ).
Cánh "isolate" thường là cánh có sự xuất hiện của Schrock. Cầu thủ mang áo số 17 này có khả năng độc lập tác chiến cực tốt. Anh có tốc độ và sự lắt léo để có thể chiến thắng trong các tình huống một đối một. Ở trận đấu với Thái Lan, một mình Schrock đã tạo được ít nhất ba tình huống sóng gió về phía khung thành của đối thủ với những pha qua người và căng ngang từ cánh phải. Đây sẽ là cầu thủ mà các trung vệ lệch và wingback (cầu thủ chạy cánh) của tuyển Việt Nam phải đặc biệt chú ý.
Ở cánh đối diện với cánh của Schrock, Philippines lại thường sử dụng chiến thuật "overload". Khi Philippines có bóng bên cánh này, một trong hai tiền đạo sẽ giật xuống. Thậm chí có nhiều trường hợp cả hai tiền đạo đều xuất hiện bên cánh này. Cùng lúc đó, hậu vệ biên sẽ dâng lên, sẵn sàng cho một cú chồng biên. Như thế, Philippines có thể tạo ra các tình huống 2 đánh 1, 3 đánh 2, thậm chí là 4 đánh 2 ở cánh.
Ở tình huống trên, khi tiền vệ trái Sato có bóng, anh lập tức nhận được sự hỗ trợ từ tiền đạo Younghusband và tiền vệ trung tâm Ott. Philippines tạo ra tình huống ba đánh ba ở hành lang trong, với mục đích là "ghim" các cầu thủ Thái Lan ở khu vực này, tạo điều kiện cho Reichelt, người đã di chuyển ra sát biên ngang, thoải mái nhận bóng.
Ở một tình huống khác, tiền đạo Reichelt đã giật xuống để tạo ra tình huống 3 đánh 1 với tiền vệ biên của Thái Lan. Tất nhiên, Philippines dễ dàng vượt qua cầu thủ này để đưa bóng xuống đáy biên, sẵn sàng cho một quả tạt. Việc các tiền đạo lùi xuống để nhận bóng cũng là một phần rất quan trọng trong lối chơi của Philippines. Đó là điều mà các trung vệ tuyển Việt Nam cần phải đặc biệt chú ý, để luôn sẵn sàng cho những tình huống rời vị trí và theo người.
Một số vấn đề
Trong cách chơi của Philippines, các tiền đạo thường được yêu cầu di chuyển linh hoạt để tạo ra các tình huống overload ở những vị trí mà HLV Eriksson muốn khai thác. Tiền đạo đội trưởng Phil Younghusband còn thường xuyên lùi hẳn về phần sân nhà để hỗ trợ các tiền vệ lên bóng.
Một mặt, cách chơi này giúp Philippines kiểm soát được nhiều bóng và lên bóng nhịp nhàng. Nhưng mặt khác, nó lại khiến họ thiếu đi sự hiện diện trong vòng cấm. Nên trong nhiều trường hợp, Philippines dễ dàng xuống được biên, thoải mái tạt bóng, nhưng ở phía trong, các tiền đạo lại chưa chiếm được vị trí tốt để có thể ghi bàn. Thực tế này, cộng với việc chất lượng của các quả tạt không thực sự cao, là một trong những lý do khiến Philippines chỉ ghi được năm bàn trong bốn trận vòng bảng, là đội ghi được ít bàn nhất trong bốn đội vào bán kết.
Một vấn đề khác, xuất phát từ thực tế HLV Eriksson không có nhiều thời gian chuẩn bị cho giải đấu, là khả năng phối hợp khi phòng ngự. Với các đội bóng phòng ngự khu vực thì tính thông tin, sự ăn ý là cực kỳ quan trọng. Bởi khi một cầu thủ đối phương di chuyển từ khu vực này sang khu vực khác, hoặc đứng ở vùng chồng chéo, nếu các cầu thủ thông tin không tốt hoặc không hiểu ý nhau, rất dễ xảy ra tình trạng hoặc là không ai theo anh ta, hoặc là quá nhiều người theo anh ta.
Như trong tình huống phút 36, cầu thủ mang áo số 21 của Thái Lan - Pokklaw Anan - đã chủ động di chuyển từ cánh vào trung lộ. Lẽ ra, Sato phải di chuyển theo Pokklaw, nhưng anh phản ứng quá chậm, có thể vì nghĩ rằng anh ta đã rời khỏi khu vực của bản thân, và xong nhiệm vụ. Tới khi Pokklaw thoải mái nhận bóng, Sato mới cuống cuồng lao theo. Cùng lúc đó, một tiền vệ trung tâm của Philippines cũng phải bỏ vị trí để gây sức ép. Khi tiền vệ này di chuyển, anh ta buộc phải bỏ lại sau lưng một khoảng trống. Cầu thủ số 21 của Thái Lan sau khi chuyền bóng đã di chuyển vào chiếm lĩnh chính khoảng trống ấy.
Để dễ hình dung, hãy xem tình huống dẫn tới bàn thắng của Thái Lan, được bắt nguồn từ một pha phối hợp đánh vào điểm yếu đó của Philippines.
Một lần nữa, Pokklaw - cầu thủ số 21 của Thái Lan - đứng vào vùng chồng chéo giữa bốn cầu thủ Philippines. Do sự thông tin không tốt, không có cầu thủ nào của Philippines để ý theo kèm cầu thủ này.
Tới khi bóng đến chân của anh ta, một trung vệ mới vội vàng dâng lên để gây sức ép. Do phản ứng muộn, lúc trung vệ của Philippines băng lên, Pokklaw đã kịp chuyền bóng xuống. Lúc này, sau lưng anh ta là một khoảng trống rất lớn, đang bị xâm chiếm bởi hai cầu thủ Thái Lan. Chính hai cầu thủ này sau đó đã phối hợp với nhau để ghi bàn.
Philippines chắc chắn không phải là đối thủ dễ chơi. Họ có những cầu thủ tốt, một lối chơi hợp lý, và quan trọng hơn, càng ngày cầu thủ của họ càng hiểu nhau và hiểu được ý đồ của HLV. Trong trận đấu tại Bacolod tới đây, Philippines gần như chắc chắn sẽ cố gắng kiểm soát khu vực giữa sân bằng cách tạo ra các tình huống áp đảo về quân số, thông qua cách di chuyển linh hoạt của các tiền đạo. Các tiền vệ trung tâm của HLV Park Hang-seo, do đó, cần phải nhận được sự hỗ trợ từ những vị trí khác.
Hai vị trí chạy cánh của Văn Hậu (trái) và Trọng Hoàng (phải) cũng cần nhận được sự hỗ trợ thường xuyên. Như đã nói ở trên, Philippines tấn công biên rất mạnh. Họ có cả những cá nhân có thể tạo đột biến, lẫn những mảng miếng phối hợp bài bản. Nếu các tiền đạo biên Việt Nam không tích cực hỗ trợ phòng ngự, thì các cầu thủ chạy cánh và trung vệ lệch sẽ rất vất vả, và rất có nguy cơ sẽ bị thủng lưới từ những pha căng ngang của đối phương. Việc Sato, cầu thủ Philippines chơi hay nhất ở vòng bảng, phải rút lui để trở lại với CLB là một tin vui với Việt Nam. Nhưng một HLV lão làng như Eriksson hoàn toàn có thể đã có sẵn phương án khắc phục.
Minh Khiêm