
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin hôm qua cho hay, ngay khi vấn đề tài chính được thông qua, chính phủ nước này sẽ chuyển lực lượng không quân, hải quân và các hạm đội chiến đấu cơ và chiến hạm tới Vịnh Subic, nơi đã trở thành một cảng tự do sau khi Hải quân Mỹ chuyển đi vào năm 1992.
"Động thái này nhằm bảo vệ vùng biển Tây Philippines của chúng ta", Gazmin nói, sử dụng cái tên vẫn được chính phủ Philippines dùng cho để gọi Biển Đông. "Chúng tôi đang chờ được cấp vốn".
Vịnh Subic là một cảng nước sâu tự nhiên, đủ sức chứa hai chiến hạm lớn mới được Philippines mua từ Mỹ, một đồng minh quân sự của nước này, theo lời ông Gazmin.
Một tài liệu bí mật của chính phủ Philippines được cung cấp cho hãng tin AP cho hay, vị trí đắc địa của Subic sẽ giúp quân đội nước này giảm thiểu thời gian triển khai máy bay chiến đấu ở các khu vực trên Biển Đông xuống hơn ba lần so với việc xuất phát từ sân bay Clark, bắc Manila.
Tài liệu này cho hay chi phí của việc tu sửa và cải tiến căn cứ không quân ở Subic sẽ vào khoảng 119 triệu USD, ít hơn nhiều so với việc chi 256 triệu USD cho việc xây dựng một căn cứ không quân mới, bởi căn cứ Subic đã sở hữu một hệ thống đường băng và cơ sở vật chất hàng không đẳng cấp thế giới.
Việc chuyển khoảng 250 nhân viên của lực lượng không quân tới Subic, cùng với "sự gia tăng hiện diện luân phiên của các lực lượng quân đội nước ngoài" sẽ giúp thúc đẩy việc kinh doanh và thương mại của bến cảng, tài liệu này viết.
Philippines dự định cho phép sự hiện diện của lực lượng quân đội, chiến hạm và phi cơ của Mỹ tại căn cứ để gia tăng số lượng những cuộc tập trận chung giữa hai nước so với thời điểm hiện tại.
Chính phủ Manila cũng ủng hộ những nỗ lực gần đây của Washington, trong việc tăng cường sự hiện diện quân sự của nước này ở châu Á như một đối trọng với Trung Quốc. Trong khi thực hiện những bước đi ngoại giao để đối phó với tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông, Philippines cũng không ngừng tăng cường sức mạnh quân sự của nước này.
Quỳnh Hoa