Là một bên ký Công ước Liên Hợp Quốc về người tị nạn năm 1951, Philippines có nghĩa vụ giúp những người di cư, nhiều người trong số đó đang phải trốn chạy khỏi sự ngược đãi, Bộ trưởng Tư pháp Philippines Leila de Lima và phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Charles Jose cho biết.
"Chúng tôi cam kết và có nghĩa vụ mở rộng hỗ trợ nhân đạo cho những người cần nơi ẩn náu này", ông Jose nói trên đài ANC. Trong khi đó, De Lima nhấn mạnh "cứu người" là điều quan trọng nhất. "Tôi nghĩ mối quan tâm nhân đạo cần vượt lên mọi mối quan tâm khác. Điều đầu tiên là quan tâm nhân đạo, cứu người", De Lima nói sau cuộc gặp với đại diện Cao ủy Liên Hợp Quốc về người Tị nạn tại nước này.
Philippines trở thành nước đầu tiên đề nghị tiếp nhận người di cư, sau khi các nước láng giềng Đông Nam Á ngăn họ vào.
Trong khi đó, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu hôm qua cho biết hải quân nước này đang nỗ lực tiếp cận những người Rohingya theo đạo Hồi đang lênh đênh trên những con tàu ngoài khơi Thái Lan và Malaysia.
Theo Hurriet Daily News, phát biểu trước một nhóm thanh niên tại Cung điện Cankaya, ông Davutoglu cho hay Thổ Nhĩ Kỳ đang làm hết sức có thể để tiếp cận những người Rohingya, cùng Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), với sự hỗ trợ của một tàu thuộc lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ đang di chuyển trong khu vực.
Khoảng 7.000 đến 8.000 người di cư Rohingya và Bangladesh được cho là đang ở eo biển Malacca, không thể lên bờ vì Thái Lan và Malaysia, hai nước họ định tới, đang triệt phá các mạng lưới buôn người.
Rohingya là một dân tộc thiểu số theo đạo Hồi, không được cấp quốc tịch ở Myanmar và hiện ở trong tình trạng không có quốc tịch. Người Rohingya ở Myanmar không được tiếp cận đầy đủ với nền giáo dục và y tế và không thể tự do đi lại. Các nước láng giềng như Thái Lan, Malaysia và Indonesia lo ngại việc chấp nhận một vài người Rohingya sẽ kéo theo một dòng người di cư nghèo, không có tri thức.
Trọng Giáp