Reuters dẫn thông báo chung sau sự kiện thường niên Đối thoại Chiến lược Mỹ - Philippines cho biết 5 khu vực cho phép luân chuyển sự hiện diện quân đội Mỹ gồm căn cứ không quân Antonio Bautista, gần quần đảo Trường Sa ở Biển Đông, căn cứ không quân Basa, phía bắc Manila, căn cứ Fort Magsaysay ở Palayan, căn cứ không quân Lumbia ở Mindanao và căn cứ không quân Mactan-Benito Ebuen ở Cebu.
Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Amy Searight nói thỏa thuận vừa đạt được là nhờ Thỏa thuận Tăng cường Hợp tác Quốc phòng (EDCA), cho phép Washington tăng cường hiện diện quân sự tại Philippines bằng cách luân chuyển tàu, phi cơ phục vụ mục đích nhân đạo và hoạt động an ninh hàng hải.
Theo bà Searight, Manila là một "đồng minh quan trọng của Mỹ" và các mối quan hệ giữa hai bên chưa bao giờ mạnh mẽ như vậy. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter sẽ thăm Philippines vào tháng 4 để thảo luận cách thức thực hiện thỏa thuận.
Đại sứ Mỹ tại Philippines Philip Goldberg cho biết quá trình di chuyển quân nhân và quân nhu đến các căn cứ sẽ diễn ra "rất sớm". Ông mô tả thỏa thuận, có thời hạn ban đầu 10 năm, cho phép Mỹ có sự hiện diện lớn hơn, giúp Mỹ tái cân bằng ở châu Á và củng cố liên minh với Philippines.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel hôm qua nhận định thỏa thuận đạt được vào thời điểm quan trọng, trước khi tòa trọng tài quốc tế ở The Hague, Hà Lan, có phán quyết chính thức trong vụ kiện của Philippines về những tuyên bố phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông.
Hải quân Mỹ trước đó cho biết họ phát hiện Trung Quốc đang có hoạt động tại bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham trên Biển Đông, nghi là chuẩn bị để cải tạo đất. Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham từ năm 2012, sau ba tháng đối đầu với tàu tuần duyên Philippines.
Đô đốc John Richardson, Tham mưu trưởng hải quân Mỹ, lo ngại phán quyết từ tòa trọng tài sẽ khiến Trung Quốc tuyên bố thiết lập một vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông.
Bà Searight nói Lầu Năm Góc cũng đã thông báo với quốc hội Mỹ về ý định sử dụng 50 triệu USD để hỗ trợ xây dựng an ninh hàng hải khu vực. Theo đó, Philippines sẽ nhận "phần lớn", dự kiến dùng để cải thiện radar và năng lực giám sát Biển Đông.
Như Tâm