"Chúng tôi cắt mọi liên hệ, đối thoại với Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC), chấm dứt toàn bộ sự liên quan giữa Manila với cơ quan này", Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos nói trong cuộc họp báo ngày 28/3.
Manila ra quyết định sau khi ICC tuần trước từ chối yêu cầu hủy cuộc điều tra về cáo buộc hành quyết, che đậy tội ác trong cuộc chiến chống ma túy do cựu tổng thống Rodrigo Duterte phát động.
Tòa án trụ sở ở The Hague, Hà Lan, đã tái khởi động cuộc điều tra hồi tháng 1 sau khi đình chỉ từ năm 2021 theo yêu cầu của Manila, vốn tuyên bố đang tiến hành điều tra riêng.
"Chúng tôi không thể hợp tác với ICC, khi có những câu hỏi về thẩm quyền của tổ chức và những điều Manila coi là can thiệp và xâm phạm chủ quyền của nước cộng hòa Philippines", ông Marcos nói.
ICC được thành lập như một tòa án cuối cùng để điều tra và truy tố tội phạm trong trường hợp chính phủ sở tại "không thể hoặc không muốn" tự tiến hành cuộc điều tra và đưa thủ phạm ra trước công lý.
Tổng thống Duterte năm 2018 đã hủy tư cách thành viên của Philippines trong ICC. Tuy nhiên, theo quy định của ICC, cơ quan này có thẩm quyền điều tra với các vụ phạm tội ở Philippines từ năm 2016 đến năm 2019, thời điểm nước này vẫn là thành viên.
Giới chức Philippines lập luận rằng các cơ quan hành pháp của Manila đủ khả năng điều tra cáo buộc về cuộc chiến chống ma túy của ông Duterte.
Sau khi lên nắm quyền tháng 5/2016, ông Duterte phát động cuộc chiến chống ma túy, cho phép cảnh sát bắn chết tại chỗ các nghi phạm mà không cần qua xét xử. Cảnh sát quốc gia Philippines cho biết hơn 6.000 người đã bị bắn chết trong chiến dịch, song các giám sát viên độc lập Liên Hợp Quốc tin rằng con số thực tế có thể lên tới hơn 27.000 người.
Năm 2021, ông Duterte khẳng định sẵn sàng hầu tòa ở Philippines, song sẽ không đứng trước ICC.
Đức Trung (Theo RT, Reuters)