Các tàu cá của Philippines trên đường ra biển Đông đánh bắt cá. Ảnh: AFP |
"Chúng tôi tiến hành đóng cửa khu vực này dựa trên những nhận định của riêng mình. Các báo cáo cho biết có quá nhiều ngư dân trong vùng biển, do đó cần phải đóng cửa một phần vùng biển để bãi cạn được yên tĩnh một thời gian", AFP dẫn lời ông Asis Perez, giám đốc Cục Ngư nghiệp và Tài nguyên biển Philippines.
Lệnh cấm đánh bắt cá của Philippines và của Trung Quốc đưa ra trước đó đều có hiệu lực từ ngày 16/5. Theo các nhà phân tích, đây được cho là cơ hội để cả hai nước rút lui trong danh dự khỏi tranh chấp này. Theo Philippines, Trung Quốc hiện có hai tàu ngư chính và 10 tàu cá ở khu vực bãi đá Scarborough/Hoàng Nham, trong khi Philippines chỉ có hai tàu tuần tra và một tàu cá tại đây.
Scarborough theo cách gọi của Philippines hay Hoàng Nham theo cách gọi của Trung Quốc, là nơi cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền và cử các tàu phi quân sự tới neo đậu trong vòng hơn một tháng trở lại đây. Bãi đá Scarborough/Hoàng Nham cách đảo Luzon của Philippines khoảng 230 km.
Hai nước bắt đầu có căng thẳng về tranh chấp chủ quyền ở bãi đá này từ ngày 8/4, sau khi quốc đảo Đông Nam Á phát hiện 8 tàu cá của Bắc Kinh tại đây. Hai nước sau đó liên tiếp có những sự điều động tàu hải quân và máy bay quanh bãi đá mà cả Bắc Kinh lẫn Manila cùng tuyên bố chủ quyền.
Căng thẳng dâng lên cao độ khi truyền thông nhà nước của Trung Quốc ám chỉ khả năng chiến tranh có thể xảy ra vì căng thẳng tại bãi cạn. Trong tuần trước, Trung Quốc cũng tuyên bố tạm dừng các tour du lịch tới Philippines vì lý do an toàn. Tuy nhiên, sau đó Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã lên tiếng phủ nhận thông tin chuẩn bị chiến tranh ở biển Đông.
Về phía Philippines, tuần trước, hàng trăm người dân biểu tình phản đối Trung Quốc, yêu cầu các tàu Trung Quốc rút khỏi bãi đá Scarborough/Hoàng Nham. Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines nhấn mạnh nước này đang tìm kiếm một sự khởi đầu ngoại giao mới cho vụ tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc. Hôm qua, tổng thống Phlippines cũng cử hai "quan chức đặc biệt" sang Trung Quốc nhằm thúc đẩy sự tao đổi song phương nhưng không phong ai làm đại sứ Philippines tại Trung Quốc.
Philippines đề nghị đưa vấn đề này ra trước Tòa án Quốc tế về Luật Biển (Itlos), nhưng Trung Quốc từ chối tham gia.
Vũ Hà