Vào ngày thứ năm sau khi cơn bão đi qua, phóng viên Anderson Cooper của CNN vẫn không hiểu người chịu trách nhiệm cho công tác cứu trợ là ai. Ông mô tả hoàn cảnh lúc này ở thành phố Tacloban, tỉnh Leyte là "vô cùng khốn khổ".
"Tình hình ở đây thật sự rất tuyệt vọng, tuyệt vọng nhất trong số những thảm họa mà tôi từng đưa tin trong nhiều năm qua", Cooper nói trong bản tin trực tiếp từ Tacloban hôm qua. "Chúng ta mong đợi được nhìn thấy một trung tâm cứu trợ đáng nhẽ ra đã được thành lập 5 ngày sau bão. Tuy nhiên, chúng tôi không nhìn thấy điều đó, chắc chắn là không phải ở vùng này. Chỉ có một ít lương thực và nước uống được cung cấp cho người dân ở sân bay, nhưng điều kiện của mọi người cực kỳ khó khăn và không rõ tình hình này còn kéo dài bao lâu nữa".
Năm 2005, Cooper cũng từng chỉ trích giới chức Mỹ về cách phản ứng đối với cơn bão Katrina. Lần này, ông cho hay các nạn nhân Philippines thực sự tuyệt vọng. Ông cũng so sánh phản ứng của chính phủ quốc đảo trước bão Haiyan với thảm họa kép động đất, sóng thần ở Nhật Bản năm 2011.
"Khi tôi có mặt ở Nhật Bản, ngay sau trận sóng thần cách đây hai năm, chỉ trong vòng một, hai ngày, lực lượng phòng vệ đã được triển khai, họ đi bộ qua những vùng đổ nát để tìm kiếm các nạn nhân. Nhưng ở đây chúng tôi không nhìn thấy bất kỳ một hoạt động cứu hộ quy mô lớn nào như thế", ông nói.
Cooper chỉ là một trong những phóng viên của CNN có mặt tại hiện trường. "CNN cứ như đã trở thành một kênh địa phương" đó là nhận xét của những người dùng mạng xã hội ở Philippines, khi theo dõi các cập nhật tường tận hàng ngày của kênh tin tức này về hậu quả của siêu bão Haiyan ở miền trung Philippines.
Cơn bão mạnh chưa từng có đã trở thành một trong những tâm điểm nóng nhất trong năm qua, với rất nhiều hãng truyền thông và phóng viên hàng đầu thế giới có mặt tại nơi tâm bão đưa qua, cung cấp những thông tin và hình ảnh nóng hổi từ trước, trong và sau bão.
Bên cạnh CNN, BBC và Al Jazeera, những mạng lưới truyền thông khác như NBC, ABC, CBS, cũng cử phóng viên sang Philippines đưa tin sau bão Haiyan. Họ so sánh cơn bão này với trận sóng thần ở Ấn Độ Dương năm 2004 làm hơn 200.000 người ở 13 quốc gia thiệt mạng, hay bão Katrina, thiên tai khủng khiếp nhất đối với người dân Mỹ. Tất cả đều có chung nhận xét rằng mức độ tàn phá của bão Haiyan là chưa từng có.
"Tôi ngày càng thất vọng. Đi quanh thành phố Tacloban chỉ thấy những đống rác thối rữa, xác người và động vật, không thấy bằng chứng nào về sự khôi phục hay cứu trợ có tổ chức đang diễn ra", Andrew Stevens, một phóng viên CNN khác kể.
Stevens nhìn thấy một chiếc xe tải nhỏ phân phát đồ dùng nhưng đoán rằng từng đó cũng chỉ đủ cho 50 người. "Có hàng chục nghìn người cần thực phẩm, nước uống, áo quần, thuốc men. Sự thất vọng ở đây đã lên đến đỉnh điểm", Stevens nói.
Với hậu cảnh là một người đàn ông bị thương đang được chuyển lên một trực thăng quân sự ở Cebu, Anna Coren, một phóng viên CNN, cũng lên tiếng: "Họ cần thức ăn và nước uống. Dù đã có sự đảm bảo từ chính phủ nhưng viện trợ vẫn chưa đến. Vấn đề ở đây vẫn là hậu cần".
Video: Dân Tacloban sống giữa các xác chết
Lỗi của quan chức địa phương?
Tuy nhiên, khi được hỏi về phản ứng chậm trễ sau bão của chính phủ, Tổng thống Benigno Aquino cho rằng lỗi là ở các quan chức địa phương.
Thư ký nội các Rene Almendras cũng thừa nhận chính phủ Philippines bị choáng váng bởi hậu quả của bão Haiyan. Tuy nhiên, ông Almendras vẫn cho rằng họ đã phản ứng "khá tốt" đối với thiên tai này. "Chúng tôi chưa bao giờ làm gì giống như thế trước đây", ông nói.
Phóng viên BBC Jonathan Head đang có mặt ở Tacloban, cho biết đến hôm qua, tại đây mới có những dấu hiệu đầu tiên về hoạt động cứu trợ có tổ chức. Các máy bay quân sự Mỹ đã đến sân bay thành phố và phân phát các nhu yếu phẩm. Một bệnh viện Bỉ-Pháp cũng mới được thành lập.
Nhiều nạn nhân đã rời Tacloban, nhưng những người ở lại đang sống trong sự hoảng loạn và sợ hãi ngày càng tăng, không chỉ vì không có thực phẩm mà còn vì tình hình an ninh hỗn loạn ở đây.
Hôm 12/11, 8 người thiệt mạng khi một bức tường bị sập trong lúc hàng nghìn người tuyệt vọng xông vào cướp một kho lương thực. Hôm qua, có những báo cáo cho hay súng nổ trên đường phố và một thiếu niên bị đâm vào bụng. Một số người sống sót phải đào các đường ống ngầm để có nước uống.
Các quan chức y tế cảnh báo những vùng bị thiệt hại nặng nhất đang bước vào một giai đoạn nguy hiểm cao điểm về lây lan dịch bệnh.
Chính phủ trung ương công bố số người chết do bão Haiyan đến nay đã tăng lên hơn 2.300, nhưng giới chức địa phương và các nhân viên cứu trợ cho rằng con số thực tế phải cao hơn nhiều.
Anh Ngọc