Hoạt động tuần tra của tàu USS Lassen trong phạm vi 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng phi pháp nhận được sự ủng hộ từ nhiều nước trong khu vực. Tổng thống Philippines Benigno Aquino hôm qua gọi cuộc tuần tra này là hành động quan trọng nhằm "duy trì cân bằng quyền lực" ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, theo Channel News Asia.
"Chúng tôi đã bày tỏ quan ngại về hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc. Chúng tôi cũng tái khẳng định lập trường rằng tự do hàng hải không thể bị ngăn cấm", ông Aquino cho hay.
Một đồng minh thân cận khác của Mỹ trong khu vực là Australia cũng tuyên bố ủng hộ hành động tuần tra trên.
"Mọi quốc gia đều có quyền tự do hàng hải, hàng không theo luật pháp quốc tế. Australia ủng hộ mạnh mẽ các quyền trên", Bộ trưởng Quốc phòng Marise Payne khẳng định.
Hải quân Australia cũng tuyên bố sẽ hoãn cuộc diễn tập chung với tàu chiến Trung Quốc ở Biển Đông, dự kiến diễn ra vào tuần tới, cho đến khi tàu chiến Mỹ hoàn thành hoạt động tuần tra thách thức tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Trường Sa, tờ Australian đưa tin.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter trong phiên điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện hôm qua xác nhận tàu USS Lassen đã đi vào phạm vi 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo ở Biển Đông.
Động thái trên của Mỹ bị Trung Quốc phản đối. Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trương Nghiệp Toại chiều tối qua triệu Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Max Baucus để trao công hàm phản đối. Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc thông báo hải quân nước này sẽ điều hai tàu khu trục tên lửa "Lan Châu 170" và "Đài Châu 533" áp sát tàu tuần tra của Mỹ để theo dõi mọi động thái.
Đây là chuyến tuần tra đầu tiên của Mỹ trong phạm vi 12 hải lý quanh các thực thể, kể từ khi Trung Quốc bắt đầu bồi đáp đá trái phép ở Trường Sa cuối năm 2013.
Như Tâm