Orenthal James Simpson, hay OJ Simpson, sinh năm 1947, là ngôi sao bóng bầu dục của giải nhà nghề Mỹ khi chơi 11 mùa từ năm 1969, chủ yếu trong đội Buffalo Bills. Simpson giải nghệ năm 1979 để đến với Hollywood, góp mặt trong các bộ phim như Capricorn One, The Naked Gun.
Simpson gặp Nicole Brown, 18 tuổi, vào năm 1977 khi cô làm nhân viên phục vụ tại hộp đêm ở Beverly Hills. Dù đã có vợ con, Simpson vẫn tán tỉnh và hẹn hò với người đẹp tóc vàng. Sau khi ly dị năm 1979, anh ta kết hôn với Nicole vào năm 1985, sinh hai con. Tuy nhiên cuộc hôn nhân chỉ kéo dài bảy năm.
Nicole cho biết cuối năm 1989, cảnh sát đã 8 lần đến nhà cặp vợ chồng vì nhận được báo cáo về bạo lực gia đình, nhưng không giúp đỡ cô trong bất kỳ cuộc gọi nào. Ngày 31/12/1989, Nicole gọi điện cho cảnh sát, nói rằng cô nghĩ Simpson sẽ giết cô. Cảnh sát tìm thấy Nicole đang trốn trong bụi cây bên ngoài nhà, "bị đánh đập thậm tệ và bán khỏa thân".
Nhà chức trách cho biết Simpson đã "đấm, tát và đá" vợ. Anh ta không bào chữa cho hành vi bạo hành. Một người bạn của gia đình cho biết Simpson nói với bạn bè của Nicole rằng nếu anh ta "bắt gặp cô ấy đi cùng bất kỳ ai, anh ta sẽ giết cô ấy".
Nicole đệ đơn ly hôn vào ngày 25/2/1992 với lý do có những khác biệt không thể hòa giải. Cô được cho là phát hiện mối tình kéo dài một năm của Simpson với người mẫu trẻ nên quyết định chấm dứt.
Năm 1993, sau khi ly hôn, cặp đôi cố gắng hòa giải. Vào tháng 10, Nicole gọi cảnh sát để trình báo Simpson có hành vi bạo lực sau khi tìm thấy ảnh của một người đàn ông mà Nicole đã hẹn hò khi họ chia tay. Hai người lại tan rã vào tháng 5/1994. Bạn bè Nicole nhận xét "họ là một cặp đôi xốc nổi, cứng đầu, bị ám ảnh lẫn nhau trước khi kết hôn, sau khi kết hôn, sau khi ly hôn và cả sau khi hòa giải".
Ngay sau nửa đêm ngày 13/6/1994, Nicole và bạn tên Ron Goldman, 25 tuổi, được phát hiện bị đâm chết ở sân bên ngoài nhà Nicole, ở khu Brentwood của Los Angeles. Cảnh sát xác định án mạng xảy ra vào tối 12/6. Ron đến để trả lại cho Nicole cặp kính mà mẹ cô để quên ở nhà hàng, nơi anh ta làm nhân viên phục vụ, vào tối đó. Con dao hung khí không bao giờ được tìm thấy.
Simpson lập tức bị coi là nghi phạm trong vụ giết người và cảnh sát không tìm thấy nghi phạm nào khác. Simpson khẳng định rằng vào ngày 12/6, anh ta ở nhà, đợi xe limousine đưa ra sân bay tới Chicago. Sau khi cảnh sát thu thập tất cả bằng chứng, Simpson bị cáo buộc giết người và có lệnh bắt.
Simpson, theo thỏa thuận với các luật sư, dự kiến đến sở cảnh sát đầu thú vào khoảng 11h ngày 17/6. Nhưng anh ta không ra đầu thú mà lên chiếc Ford Bronco màu trắng do người bạn lâu năm Al Cowlings lái, dẫn cảnh sát vào một cuộc truy đuổi trên xa lộ.
Theo Cowlings, Simpson ngồi sau xe, dí súng lục vào đầu và dọa tự bắn nếu anh ta không được đưa trở lại Brentwood. Cảnh sát đóng cửa các đường cao tốc gần đó, bám theo sau một cách cẩn trọng.
Các đài truyền hình gián đoạn việc đưa tin về trận chung kết NBA 1994 để truyền hình trực tiếp vụ việc, với lượng khán giả ước tính 95 triệu người. Hàng chục nghìn người tụ tập trên các đường phố và đường cao tốc ở Los Angeles để xem cuộc rượt đuổi. Simpson đầu hàng cảnh sát lúc gần 21h ngày 17/6.
Việc truy đuổi, bắt giữ và xét xử Simpson là một trong những sự kiện được công khai rộng rãi nhất trong lịch sử nước Mỹ. Phiên tòa được truyền hình trực tiếp kéo dài từ tháng 1 đến tháng 10/1995, dài nhất lịch sử California. Nó thường được coi là "phiên tòa thế kỷ" vì độ phủ sóng trên toàn thế giới.
Trước khi phiên tòa bắt đầu, cuộc điều tra của cảnh sát bị phát hiện có sai sót: Bằng chứng hình ảnh bị mất hoặc dán nhãn sai, ADN được thu thập và lưu trữ không đúng cách.
Các luật sư bào chữa cho rằng Simpson bị buộc tội sai nhưng công tố viên lập luận rằng Simpson là người chồng thích kiểm soát và bạo hành Nicole. Họ đưa ra tổng cộng 62 vụ Simpson có hành vi bạo lực với vợ cũ. Cựu cầu thủ ngôi sao cũng mất tích hơn một giờ vào đêm xảy ra án mạng.
Công tố viên cung cấp bằng chứng ADN, bao gồm máu của hai nạn nhân được tìm thấy trong xe của Simpson; máu của Nicole được tìm thấy trên tất của Simpson; các sợi tóc và sợi vải quần áo giống của Simpson, Nicole và Ron, cũng như các sợi vải trên chiếc Ford Bronco và lông con chó của Nicole được tìm thấy trên chiếc găng tay da màu đen tại nhà Simpson. Chiếc găng tay còn lại được tìm thấy tại căn hộ của Nicole.
Luật sư bào chữa cho rằng chiếc găng tay được tìm thấy ở căn hộ của Nicole không vừa với tay Simpson. Đáp lại, công tố viên đưa ra giả thuyết rằng Simpson đã không dùng thuốc chống viêm để điều trị bệnh viêm khớp, khiến tay anh ta sưng lên khi cố đeo găng tay trong phiên tòa. Một bác sĩ của nhà tù hạt Los Angeles cho biết Simpson uống thuốc hàng ngày và đúng giờ. Người bào chữa sau đó tuyên bố: "Nếu chiếc găng tay không vừa, anh phải tuyên trắng án".
Công tố viên cũng bày tỏ lo ngại rằng chiếc găng tay đã ngấm máu và bị đông lạnh nhiều lần trước phiên tòa nên sẽ bị co lại. Khi thử đeo găng trước tòa, Simpson tỏ ra khó khăn khi nhét tay vào. Thời điểm này được cho là rất quan trọng để anh ta được trắng án.
Luật sư bào chữa sử dụng đoạn ghi âm Mark Fuhrman, sĩ quan có mặt tại hiện trường vụ án, liên tục nói những lời tục tĩu về chủng tộc trong một cuộc phỏng vấn. Fuhrman sau đó bị buộc tội khai man vì đã nói dối rằng không bôi nhọ. Điều này khiến các sĩ quan LAPD bị chỉ trích phân biệt chủng tộc.
Phiên tòa xét xử vụ giết người tạo ra một cuộc tranh luận công khai về quan hệ chủng tộc khi các luật sư bào chữa chất vấn Fuhrman, người đã tìm thấy chiếc găng tay ở nhà Simpson khi vào nhà mà không có lệnh khám xét. Fuhrman thậm chí bị nghi làm giả bằng chứng.
Truyền thông đánh giá phiên tòa "chia rẽ đất nước" theo chủng tộc: Người da trắng dễ tin Simpson có tội hơn, trong khi người da màu lại tin vào sự vô tội của anh ta hơn. Bồi thẩm đoàn cũng bị tác động khi luật sư bào chữa tập trung tấn công Fuhrman. Cuối cùng, bên bào chữa chiếm ưu thế áp đảo, với nhiều cơ sở nghi ngờ hợp lý - tiêu chuẩn để được trắng án.
Sau 11 tháng, vào ngày 3/10/1995, bồi thẩm đoàn, gồm 10 người da màu trong tổng số 12 người, đưa ra phán quyết "không có tội" đối với hai vụ giết người. Ước tính 100 triệu người trên toàn nước Mỹ theo dõi hoặc nghe thông báo phán quyết. Simpson được thả sau 474 ngày bị giam giữ.
Phản ứng đối với phán quyết cũng thể hiện sự chia rẽ theo chủng tộc. Người da màu ở nhiều nơi tràn ra đường ăn mừng. Một cuộc thăm dò ý kiến của cư dân Los Angeles cho thấy hầu hết người Mỹ gốc Phi ở đó cảm thấy công lý đã được thực thi, trong khi phần lớn người da trắng và người Latin cho rằng ngược lại.
Sau khi Simpson được tha bổng, không có vụ bắt giữ hay kết án bổ sung nào liên quan đến vụ giết người được thực hiện. Anh ta luôn khẳng định vô tội trong các cuộc phỏng vấn.
Gia đình Ron và Nicole đệ đơn kiện dân sự chống lại Simpson. Phiên tòa loại trừ cuộc thảo luận về các vấn đề chủng tộc, được coi là "có tính kích động và suy đoán".
Ngày 5/2/1997, bồi thẩm đoàn nhất trí tuyên bố Simpson phải chịu trách nhiệm về cái chết bất đáng trong vụ giết người kép và phải trả 33,5 triệu USD tiền bồi thường. Giá trị tài sản ròng của Simpson vào thời điểm đó là 11 triệu USD.
Năm 1994, 22% người da màu trả lời một cuộc thăm dò tin rằng Simpson có tội, trái ngược với 63% người da trắng. Một cuộc thăm dò năm 2016 cho thấy 57% người Mỹ da màu và 83% người Mỹ da trắng tin rằng Simpson có tội. Sự thay đổi này một phần là do phán quyết của phiên tòa dân sự.
Năm 1997, Simpson không trả được nợ thế chấp ngôi nhà đã sống 20 năm và bị tịch thu tài sản. Tháng 2/1999, một cuộc đấu giá cúp của Simpson và các đồ đạc khác thu về gần 500.000 USD, số tiền này thuộc về gia đình Ron.
Năm 2006, một nhà xuất bản lên kế hoạch phát hành cuốn sách If I Did It của Simpson, được cho là lời kể giả định của anh ta về việc sẽ giết Nicole và Ron như thế nào. Cuốn sách dự kiến phát hành vào tháng 11/2006, nhưng bị hủy bỏ do phản đối kịch liệt của công chúng.
Tháng 3/2007, gia đình Ron được tòa trao quyền bán sách như một khoản thanh toán cho bản án dân sự. Họ xuất bản ấn bản đầu tiên của cuốn sách vào cuối năm đó và đổi tên thành If I Did It: Confessions of the Killer.
Tháng 5/2008, Mike Gilbert, cộng sự của Simpson, tuyên bố Simpson đã thừa nhận vai trò trong án mạng khi nói rằng anh ta sử dụng con dao mà Nicole đang cầm khi cô mở cửa căn hộ cho anh ta vào đêm hôm đó, và anh ta đã ngừng uống thuốc viêm khớp để tay sưng tấy trước phiên tòa. Luật sư của Simpson phủ nhận, nói Gilbert "ảo tưởng".
Sau khi vướng nhiều rắc rối pháp lý, Simpson bị bắt vào tháng 9/2007 vì dẫn một nhóm người xông vào phòng tại khách sạn sòng bạc Palace Station, chĩa súng lấy các kỷ vật thể thao của chính mình. Simpson thừa nhận lấy những món đồ vì cho rằng nó vốn thuộc về mình.
Simpson bị buộc tội với một số tội danh nghiêm trọng, bao gồm bắt cóc và cướp có vũ trang. Năm 2008, anh ta bị kết tội cướp bất thành và nhận án 33 năm tù.
Ngày 1/10/2017, Simpson, 70 tuổi, được trả tự do nhờ ân xá. Ông ta sống ở Las Vegas, dành thời gian cho gia đình, bạn bè và các con, chơi golf.
Gia đình thông báo Simpson qua đời vào ngày 10/4/2024 vì bệnh ung thư.
Tuệ Anh (Theo ABC News, People)