Hôm qua phiến quân đã chiếm thêm một căn cứ quân sự ở tỉnh miền tây Anbar sau vài giờ giao tranh với các binh sĩ Iraq, buộc lực lượng an ninh phải rút khỏi khu vực, AP dẫn lời hai quan chức tỉnh Anbar giấu tên nói. Hit rơi vào tay IS hồi đầu tháng. Cư dân trong thị trấn xác nhận doanh trại thất thủ nhưng đề nghị được giấu tên để đảm bảo an toàn.
Nhà nước Hồi giáo tự xưng đã chiếm tới 80% diện tích tỉnh Anbar và uy hiếp thủ đô Iraq. Phóng viên CNN tại thực địa cho hay các tay súng chỉ còn cách sân bay 8 dặm, tương đương 13 km.
Căn cứ nói trên nằm ở thành phố Hit trên con đường cao tốc chiến lược nối từ Baghdad tới biên giới với Syria. Căn cứ mất về tay Nhà nước Hồi giáo sau màn giao tranh giữa phiến quân với binh sĩ chính phủ.
Danh sách các thành phố, thị trấn dọc hai con sông lớn vùng Lưỡng Hà là Euphrates và Tigris ngày càng tăng nhanh. Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, tướng Dempsey, cho biết đã phải điều các trực thăng chiến đấu để túc trực đảm bảo an toàn cho sân bay quốc tế Baghdad. "Chúng ta cần sân bay", ông nói.
Washington Post dẫn lời quan chức Iraq mô tả việc rút quân ở gần Hit là "rút lui chiến lược", đồng thời cho biết quân đội đã chở theo các trang thiết bị và đốt cháy lương thực, tránh IS có thêm nguồn lực. Động thái rút quân diễn ra chỉ vài giờ sau khi Bộ Chỉ huy Trung ương Mỹ (Centcom) thông báo các lực lượng của liên minh quốc tế vừa tiến hành không kích trong khu vực này.
IS thông báo chiếm doanh trại trong thông báo cùng ngày. Thông báo được đăng tải trên các website nhóm phiến quân hay sử dụng nhưng chưa thể xác thực. Đây là căn cứ quân sự thứ ba của Iraq lọt vào tay IS trong ba tuần qua. Tổn thất này là đòn tâm lý đánh vào các lực lượng của Iraq đang giao tranh với IS ở Anbar. Nhà chức trách khu vực kêu gọi Mỹ tăng cường hỗ trợ, trong đó có cả điều bộ binh tới tham chiến, do lo ngại Anbar sẽ sớm thất thủ hoàn toàn.
Thủ đô của Iraq hiện chưa nằm trong tầm bắn của IS nhưng chúng vẫn có thể thực hiện những vụ đánh bom liều chết trong thủ đô. Hàng loạt vụ nổ lớn hôm qua xảy ra tại khu vực phần lớn là người dòng Shiite sinh sống ở Baghdad, làm ít nhất 30 người chết.
Trong khi đó, nhiều hãng truyền thông nước ngoài đưa tin các cuộc đụng độ giữa quân đội Iraq và phiến quân IS đã kéo dài hơn một tuần ở Abu Ghraib. Các báo cáo cho rằng nhóm phiến quân còn được trang bị tên lửa phòng không vác vai, có thể đe dọa đến máy bay ra vào sân bay Baghdad.
Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Iraq bác tin về sự hiện diện của IS tại Abu Ghraib. "Các báo cáo về việc (phiến quân IS) đang chiếm khu vực Abu Ghraib là không chính xác", IANS dẫn lời Qasim Atta, một quan chức Bộ Quốc phòng Iraq, nói. "Cuộc sống vẫn diễn ra bình thường ở thị trấn Abu Ghraib".
Văn phòng Liên Hợp Quốc về Điều phối Các vấn đề về Nhân đạo hôm qua cho biết khoảng 180.000 người ở tỉnh Anbar đã phải bỏ nhà cửa vì những diễn biến chớp nhoáng trong vài ngày gần đây ở Hit và thủ phủ Ramadi. "Hàng nghìn người vẫn đang chạy trốn và cần hỗ trợ khẩn cấp về thực phẩm, nước uống và chỗ ở", phó phát ngôn viên Liên Hợp Quốc, ông Farhan Haq, nói.
Như Tâm