"Tôi vẫn dùng iPhone 2G để đọc tin tức, nhưng hôm nay truy cập website nào cũng thấy thông báo về chứng chỉ mạng, cứ vài phút lại xuất hiện một lần rất khó chịu", anh Hữu Long (Bình Phước) chia sẻ. "Nội dung trên màn hình cũng không còn đầy đủ mà bị mất hình ảnh, mất chữ, thậm chí không truy cập được dù mạng Internet mạnh".
"Tôi cảm thấy rất bực mình với chiếc BlackBerry 9860 khi cứ vài chục giây lại nhảy ra cảnh báo thiếu chứng chỉ và yêu cầu bấm Accept. Việc truy cập website vì thế phiền phức và bực mình", ông Lê Hùng (TP HCM) cho biết.
Trên mạng xã hội, một số người đang dùng điện thoại, như từ iPhone 5 trở về trước, BlackBerry đời cũ (các bản không chạy Android) và các mẫu laptop chạy hệ điều hành Windows XP, macOS 10 hoặc cũ hơn, cho biết họ đều gặp phiền phức khi truy cập Internet. Trong đó, việc vào mạng bằng trình duyệt mặc định bị làm phiền bởi các thông báo về chứng chỉ bảo mật. Quá trình truy cập các nội dung web diễn ra khá chập chờn, khó kết nối.
Nhiều người chia sẻ, họ vẫn dùng thiết bị cũ do chỉ có nhu cầu đơn giản như đọc tin tức, thấy không cần thiết nâng cấp máy, hoặc gặp khó khăn khi mua thiết bị mới. Một số cho biết đành chấp nhận các thông báo phiền hà, hoặc dự định mua smartphone mới. Trong khi đó, người dùng máy tính dễ dàng hơn trong việc nâng cấp thiết bị của mình lên phiên bản hệ điều hành mới hơn.
Hữu Bình, một người chuyên kinh doanh thiết bị điện tử cũ tại TP HCM, nhận định vấn đề phần lớn chỉ ảnh hưởng chủ yếu tới người dùng iPhone đời cũ. "Thực tế, vẫn có một lượng người dùng nhất định đang sử dụng các mẫu iPhone 5 trở xuống tại Việt Nam. Họ bị ảnh hưởng nhiều nhất do những máy này đã bị Apple ngừng hỗ trợ từ lâu, lại không thể cài các ứng dụng bên ngoài", anh nói.
Cũng theo anh Bình, người dùng máy tính có thể nâng cấp lên phiên bản mới, bởi đa số thiết bị có cấu hình chưa quá cũ. Anh ví dụ, một máy chạy chip Intel Core 2 Duo T6600 ra mắt từ 2006, RAM 4 GB, ổ cứng từ 128 GB vẫn có thể cài Windows 7. Trong khi đó, các dòng máy Mac đời 2013 trở về sau vẫn hỗ trợ bản macOS 11 chưa lỗi thời. Do đó, người dùng có thể nâng cấp hệ điều hành để có chứng chỉ IdentTrust DST Root CA X3.
Theo Entrepreneur, chứng chỉ mạng IdentTrust DST Root CA X3 do tổ chức phi lợi nhuận Let's Encrypt cung cấp đã hết hạn từ ngày 1/10, khiến việc truy cập Internet của nhiều thiết bị điện tử và ứng dụng lỗi thời gặp vấn đề. Đây là chứng chỉ bảo mật có chức năng mã hóa các kết nối giữa thiết bị của người dùng và Internet nhằm ngăn chặn và tránh bị hacker đánh cắp thông tin khi truyền dữ liệu. Các thiết bị bị ảnh hưởng là iPhone chạy iOS 10 về trước, Android 2.3.6, Windows XP (SP3), macOS 10 hoặc cũ hơn, phần mềm dựa trên OpenSSL 1.0.2 trở xuống và một số máy chơi game chạy firmware cũ.
Theo ông Bùi Thanh Vũ, chuyên gia bảo mật tại Trung tâm an ninh mạng Athena, các chứng chỉ bảo mật như IdentTrust DST Root CA X3 giúp mã hóa dữ liệu truyền đi thông qua https (giao thức truyền tải siêu văn bản bảo mật). Nếu không có chứng chỉ này, website có thể chuyển qua http (giao thức truyền tải siêu văn bản) vốn kém an toàn hơn rất nhiều.
"Vấn đề trên có thể không ảnh hưởng đến thói quen duyệt web hàng ngày như đọc báo, xem phim, nhưng sẽ rất nguy hiểm nếu người dùng đăng nhập mạng xã hội, tài khoản ngân hàng, giao dịch tài chính hoặc trao đổi thông tin nhạy cảm", ông Vũ khuyến cáo. "Với giao thức http kém bảo mật, hacker có thể thu thập những dữ liệu đó dễ dàng".
Ngoài ra, anh Hữu Bình cho rằng, những thiết bị và ứng dụng nếu không thể cập nhật chứng chỉ mạng thường đã quá cũ, người dùng cân nhắc không nên tiếp tục sử dụng chúng, hoặc dùng cho mục đích khác không cần kết nối mạng. "Thực tế, trải nghiệm duyệt web hay vào Internet trên các thiết bị này rất ức chế do quá trình xử lý chậm, không hỗ trợ các hiệu ứng nâng cao, thao tác khó", anh Bình nói thêm.
Bảo Lâm